Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định địa điểm xây Trung tâm Khoa học Công nghệ hạt nhân vẫn chưa được quyết định.
Thỏa thuận xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân được Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 22/11/2011. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam khoảng 500 triệu USD, gồm hai hợp phần dự án tại Đà Lạt và Hà Nội.
Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15MWt, gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chọn được địa điểm thích hợp cho lò nghiên cứu mới là tiểu khu 151A, phường 12, thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự đồng thuận về “phương án địa điểm” giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Lâm Đồng.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, địa điểm lựa chọn xây lò nghiên cứu mới có nhiều điều kiện thuận lợi khi chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12km, gần với lò hạt nhân Đà Lạt hiện hữu để thuận tiện cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước làm việc.
Địa điểm này có quy mô hơn 100ha và có hồ nước với trữ lượng nước đủ dùng cho lò phản ứng, nằm cách ly với khu dân cư, cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, viễn thông đầy đủ.
Ngoài ra, việc lò nghiên cứu mới nếu được xây dựng ở Đà Lạt cũng sẽ dễ dàng hỗ trợ cho dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong quá trình thi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành, cũng như các dự án sau này ở khu vực miền Trung.
Hiện nay, ngoài việc tiếp tục khảo sát thêm một số địa điểm mới, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và xin phép chỉ định thầu tư và lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư.
Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân được xây dựng nhằm thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu chiến lược hỗ trợ phát triển điện hạt nhân, tính toán, thiết kế, giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến thực hiện chương trình điện hạt nhân như thiết bị, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu, quản lý chất thải phóng xạ; tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Đây là trung tâm nghiên cứu chủ lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong tương lai./.