Gia đình anh Trịnh Đình Hãnh nằm trong hợp tác xã Bình Hãnh ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có khoảng 4 ha vải thiều với hàng trăm gốc vải. Năm nay mỗi gốc có thể cho thu hoạch tới trên dưới 1 tạ vải thiều và toàn bộ 15 ha vải của hợp tác xã đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
“Toàn bộ chỗ vải này là của nhà tôi, rất đẹp. Năm nay, Nhật bản đã bao tiêu hết diện tích này. Để vải đạt chất lượng cao, chúng tôi phải tuân thủ theo các yêu cầu của bên khuyến nông, dùng phân bón, thuốc sâu của huyện cấp.” Anh Trịnh Đình Hãnh cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích 103 ha.
Cùng với việc rà soát, cấp mã số vùng trồng, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất vải an toàn, đúng tiêu chuẩn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép, ghi nhật ký sản xuất… đồng thời mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Sau nhiều năm nỗ lực sản xuất vải thiều theo hướng an toàn sinh học, đến nay, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha (chiếm 53% tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh) với sản lượng ước đạt 110.000 tấn. Bên cạnh đó, vải thiều đạt chứng nhận GlobalGAP khoảng 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định: “Chúng tôi rất phấn khởi vì thương hiệu quả vải của Việt Nam nói chung và quả vải của Bắc Giang nói riêng đã đạt tiêu chuẩn tốt nhất để đáp ứng những thị trường khó tính nhất. Nhật Bản là một thị trường tiềm năng. Xuất khẩu sang Nhật gần hơn so với EU, giá trị xuất khẩu sẽ tốt”
Với sản lượng được ước tính lớn, cùng với chất lượng được nâng cao, năm 2020 hứa hẹn là một năm trái vải Bắc Giang có thể vươn ra biển lớn, chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, EU…
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng toàn cầu, trái vải Bắc Giang đứng trước nguy cơ khó trở mình. Địa phương đã chuẩn bị cho những bước đi thận trọng.
Theo ông Dương Văn Thái-Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Tỉnh đã chuẩn bị 3 kịch bản: Kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu được sang cả thị trường truyền thống lẫn thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là không xuất khẩu được. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm. Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra.
Ông Cao Văn Hoàn-Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn đưa ra giải pháp: “Khả năng không thể giao thương hàng hóa là không cao. Tuy nhiên, nếu khả năng này xảy ra, giải pháp tiên quyết là phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường các kho lạnh có thể bảo quản quả vải tối thiểu một tháng. Sấy khô vải cũng là một phương án. Theo chúng tôi tính toán, một lò sấy vải xây dựng mất 3 ngày, nên nếu trường hợp xấu xảy ra chúng ta có thể chủ động.”/.