Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023

Theo dự kiến, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” sẽ được tổ chức vào ngày 19/9 tới.
Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Chiều 23/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp về công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam là hoạt động thường niên của Quốc hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì tổ chức.

Đây là dịp để huy động, lắng nghe và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo dự kiến, Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 19/9. Chương trình của Diễn đàn được thiết kế gồm chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó;” chuyên đề 2 về “Nâng cao năng suất lao động bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” và phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao.

Tại mỗi chuyên đề sẽ trình bày các tham luận và thảo luận bàn tròn. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu khai mạc, chỉ đạo Diễn đàn và phát biểu bế mạc, kết luận Diễn đàn.

Tại phiên họp, các đại biểu nghe đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 và thảo luận về các nội dung liên quan.

[Thủ tướng: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô]

Các ý kiến nhấn mạnh tính chuyên nghiệp, chu đáo, thận trọng, đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức để lại dấu ấn của Quốc hội, thể hiện được sự trang trọng, quy mô của sự kiện.

Các nội dung trình bày, trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn phải bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, hấp dẫn và sôi nổi, có sự tương tác giữa các điểm cầu.

Các đại biểu cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự lan tỏa về các hoạt động trong khuôn khổ của Diễn đàn và những kết quả đạt được; chủ động từ sớm, từ xa, lấy ý kiến của cử tri, chuyên gia về các nội dung của Diễn đàn.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần bảo đảm yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa của Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam với tính chất là sự kiện thường niên của Quốc hội, mang những điểm nhấn, dấu ấn và sự khác biệt của Quốc hội so với các diễn đàn kinh tế khác.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội và sự phối hợp trách nhiệm của các cơ quan đồng chủ trì Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan trong thời gian tới tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 ảnh 2Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn báo cáo về công tác tổ chức. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Ủy ban Kinh tế chịu trách nhiệm chính trong phiên toàn thể tại Diễn đàn, tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản và làm việc với các cơ quan để khẩn trương hoàn thiện chương trình tổng thể, liên hệ với các chuyên gia, diễn giả phân công trình bày tham luận cũng như trao đổi thảo luận; hoàn thiện kịch bản điều hành các phiên toàn thể, phiên thảo luận bàn tròn…và các nội dung liên quan; sớm tập hợp đầy đủ và rà soát các bài viết, tham luận gửi đến Diễn đàn để bảo đảm chất lượng tốt nhất; lên danh sách khách mời, đại biểu tham dự bảo đảm tính đại diện các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam theo nhiệm vụ được giao phụ trách, phân công cán bộ, chuyên gia tham gia điều phối tại các phiên thảo luận bàn tròn, chủ động xây dựng các kịch bản điều hành, bài viết liên quan, phối hợp với Ủy ban Kinh tế để bảo đảm chất lượng nội dung chương trình.

Các đơn vị quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau Diễn đàn, bám sát nội dung, thu hút sự quan tâm của người dân, dư luận, tạo sự lan tỏa.

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 sẽ thành công tốt đẹp, trở thành sự kiện có ý nghĩa trong năm của Quốc hội, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra như: Nội dung có trọng tâm, trọng điểm, có thông điệp, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, khoa học, tiết kiệm, thể hiện tinh thần trọng thị, chu đáo, truyền thông toàn diện và có sức lan tỏa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.