Chứng khoán Âu-Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 28/3

Ở thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 28/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 0,12% xuống còn 32.394,25 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,16% xuống 3.971,27 điểm
Chứng khoán Âu-Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 28/3 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 28/3, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và những lo ngại về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng đã phần nào lắng dịu.

Ở thời điểm chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 0,12% xuống còn 32.394,25 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,16% xuống 3.971,27 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,45% xuống 11.716,08 điểm.

Sự phục hồi của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng đến cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu tăng trưởng. Lợi suất trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 4 điểm cơ bản lên 3,57% vào cuối phiên giao dịch ngày 28/3. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã tăng hơn 11 điểm cơ bản lên mức hơn 4%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu chứng kiến xu hướng ngược lại khi chỉ số FTSE tại thị trường London (Anh) đóng cửa ở mức 7.484,25 điểm (tăng 0,2%); chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,1% lên 15.142,02 điểm; còn chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) tăng nhẹ lên 7.088,34 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 cũng tăng 0,1% lên 4.168,21 điểm.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada tại công ty tài chính City Index (Anh) và Forex.com cho biết thị trường ngày 28/3 đã thiếu chất xúc tác mới để thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên, sau sự bất ổn của lĩnh vực tài chính gần đây.

Trong khi đó, chuyên gia Joseph Manimbo của Convera cho rằng sự giảm giá của đồng USD cho thấy các nhà đầu tư đã bớt lo lắng về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng - vốn đã khiến họ phải tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn hơn, cũng như cảm giác rằng "nền kinh tế Mỹ đang suy yếu" đồng nghĩa với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh lãi suất.

Trong khi đó, giá vàng giao ngay đã tăng 0,7% lên 1.970,88 USD/ounce trong ngày 28/3. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1% lên 1.973,50 USD/ounce.

[Phiên giao dịch 23/2, S&P 500 dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp]

Theo chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của chuyên trang về kim loại quý Kitco Metals, việc chỉ số đồng USD yếu hơn đã thúc đẩy nhu cầu mua vào trên thị trường vàng. Tuy nhiên, nhu cầu mua chắc chắn đang bị kìm hãm bởi thực tế rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng - ít nhất vào thời điểm hiện tại - dường như đã ổn định.

Trong phiên điều trần đầu tiên của Quốc hội Mỹ về sự sụp đổ đột ngột của hai ngân hàng Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sự hỗn loạn sau đó trên thị trường, một cơ quan quản lý hàng đầu của nước này đã chỉ trích SVB về khả năng quản lý rủi ro của họ. Trong khi đó, các nhà lập pháp yêu cầu được biết lý do tại sao các dấu hiệu cảnh báo về rắc rối lại bị bỏ qua.

Ông Wyckoff nói thêm rằng thị trường vẫn còn quan tâm về vấn đề này, qua đó hạn chế nhu cầu về tài sản rủi ro trong ít nhất vài tuần tới cho đến khi họ nghĩ rằng thị trường đã vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Trong khi đó, ông Ole Hansen - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank - cho biết trong thời gian tới, giá vàng có thể trượt xuống mức 1.933 USD/ounce.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng triển vọng của vàng vẫn theo hướng tăng giá, khi lãi suất của Mỹ đang nhanh chóng đạt đỉnh và nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái trong những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.