Chung sống an toàn với COVID-19: Việt Nam không phải ngoại lệ

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng và bằng việc mở cửa, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có thể tăng trưởng trở lại.
Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Partrick Haverman. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhiều nước trên thế giới đang chuyển trạng thái từ “sống không COVID-19” sang “sống an toàn với COVID-19” và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Ưu tiên hàng đầu là sức khỏe cho người dân. Với tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng tăng, Việt Nam đang từng bước mở cửa kinh tế trở lại.

Đây là nhận định của ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu chống dịch trong tình hình mới, Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược “không COVID” sang “chung sống an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh.” Ông đánh giá như thế nào về chiến lược phòng, chống dịch mới này của Việt Nam?

Ông Patrick Haverman: Như các bạn đã thấy, nhiều nước trên thế giới đang chuyển trạng thái từ “sống không COVID-19” sang “sống an toàn với COVID-19” và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Ưu tiên hàng đầu là sức khỏe cho người dân. Với tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng tăng, Việt Nam đang từng bước mở cửa kinh tế trở lại.

[Trưởng đại diện WHO: Chiến lược khẩn cấp của Việt Nam đi đúng hướng]

Liên quan đến nỗ lực ứng phó với COVID-19, tôi cho rằng đấy chính là cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn như rút ngắn thời gian phong tỏa, hoặc giảm bớt thời gian cách ly tập trung, và thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine.

Chúng tôi rất ấn tượng với ngoại giao vaccine của Chính phủ Việt Nam, cũng như tốc độ triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam. Bằng việc sắp xếp đối tượng tiêm chủng, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương, chúng ta có thể từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng.

Chiến lược mới này sẽ có tác động như thế nào đến đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam, đặc biệt là đối với đối tượng dễ bị tổn thương? Chương trình Phát triển Liên hợp quốc có khuyến nghị gì với Việt Nam về vấn đề trợ giúp xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế?

Ông Patrick Haverman: Vừa qua, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến, công bố hai báo cáo đánh giá tác động kinh tế-xã hội của COVID-19 đối với các hộ dễ bị tổn thương ở Việt Nam và đánh giá nhanh việc thiết kế và thực hiện gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cho người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tại buổi Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế-xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, chúng tôi cũng đã có bài tham luận về tăng cường trợ giúp xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, tôi cho rằng, Việt Nam có thể hỗ trợ tăng trưởng, việc làm và thu nhập bằng một chương trình hỗ trợ tiền mặt lớn hơn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà không sợ lạm phát hoặc tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán.

Để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế thì cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt.

Cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi từ đủ 60, bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên - thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc có khuyến cáo gì đối với tiến trình mở cửa cụ thể của Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Ông Patrick Haverman: Chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đang thực hiện rất tốt. Như tôi đã đề cập, việc tiêm chủng vaccine đóng vai trò rất quan trọng.

Trước hết, để mở cửa trở lại, việc đẩy mạnh tiêm chủng cần được ưu tiên hàng đầu. Nhiều nước trên thế giới có tỷ lệ tiêm vaccine cao đã mở cửa kinh tế trở lại.

Thứ hai, Việt Nam đang áp dụng linh hoạt các hình thức phong tỏa, đó là phong tỏa cục bộ trong phạm vi nhỏ hẹp thay vì trên diện rộng.

Đó là những điều kiện quan trọng giúp Việt Nam có thể từng bước mở cửa, thúc đẩy kinh tế phát triển cùng với đẩy mạnh các chương trình trợ giúp xã hội.

Ông có đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Patrick Haverman: Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Bằng việc mở cửa, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có thể tăng trưởng trở lại. Tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong thời gian tới.

Thế giới đang trở nên dễ bị tổn thương hơn khi dịch bệnh và thiên tai có thể đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào.

Vì vậy, việc đảm bảo hỗ trợ xã hội cho con người tránh khỏi những tổn thương do dịch bệnh và thiên tai gây ra là giải pháp cần thiết mà bất cứ chính phủ nào cũng nên tính đến./.

Tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi tại thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục