Điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19

Điểm nổi bật báo cáo nêu lên là kết quả khảo sát nhanh ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội phạm vi cả nước về đề xuất với 3 nhóm chính sách: hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tháng 06/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Điểm nổi bật báo cáo nêu lên là kết quả khảo sát nhanh ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội phạm vi cả nước về đề xuất với 3 nhóm chính sách: hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch; thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, nhằm đề xuất các biện pháp, giải pháp để cụ thể hóa Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động cũng như cụ thể hóa các chỉ đạo khác của Chính phủ liên quan tới mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch.

Trong đó, báo cáo đề cập rằng, đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua. Kỳ vọng của doanh nghiệp hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vaccine phòng COVID 19.

Nguyên nhân là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách đang còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương lớn của Đảng-Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch.

[Theo dõi sát thực tế để triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp]

Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ tới đây, doanh nghiệp mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị. Song song với đó, cần tổ chức công tác giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc truyền thông chính sách để khâu thực thi luôn đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp, người lao động.

Bên cạnh các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt, có tính chất ngắn hạn để tạm thời vượt qua khó khăn, doanh nghiệp/hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn, nhằm phối hợp chặt chẽ tâm-trí-lực của hai khối công-tư để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực, đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt cơ hội do bối cảnh này mang lại đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.

Về chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung đề xuất Chính phủ cho rà soát việc triển khai đang còn rất khác nhau tại các ngành, các địa phương về chiến dịch mua và tiêm vaccine cho người dân và người lao động tại các doanh nghiệp; minh bạch các tiêu chí xét đối tượng ưu tiên trong doanh nghiệp, công bố quy trình chuyên môn liên quan để người lao động và doanh nghiệp nắm bắt nhằm tổ chức tốt hơn hoạt động từ phía doanh nghiệp, phối hợp hiệu quả với Chính phủ và các chính quyền trong khâu thực thi.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công-tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vaccine COVID 19 giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và công bố công khai các quy trình mẫu này nhằm giúp doanh nghiệp hình dung và hoạch định tốt hơn các hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình phòng, chống dịch.

Ngoài ra, doanh nghiệp, hiệp hội còn đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác về triển khai chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 tại nhà để có căn cứ tham mưu ban hành các chủ trương, hướng dẫn liên quan cho việc sử dụng các sản phẩm dạng “self-test,” nhằm giúp hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay.

Đồng thời, đây cũng là cách hiệu quả để chuẩn bị cho chiến dịch chung sống an toàn với COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới.

Cùng với đó là các đề xuất về chính sách hỗ trợ cụ thể liên quan đến người lao động tại các doanh nghiệp mà bị mất việc hoặc không đủ ngày công đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải thiện các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho người lao động thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh; xây dựng các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp...

Liên quan đến các nội dung của báo cáo, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Trong công văn số 5098/VPCP-ĐMDN gửi các Bộ: Y tế, Tài chính, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trên theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Ban IV để có giải pháp tốt hơn trong quản lý, chỉ đạo điều hành; chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục