Chung tay nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực ngành du lịch

Ở bất kỳ giai đoạn nào, ngành du lịch nói chung, các địa phương, từng doanh nghiệp du lịch nói riêng phát triển thuận lợi, đúng hướng hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân lực.
Chung tay nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực ngành du lịch ảnh 1Quản lý nhà hàng hướng dẫn nhân viên cách phục vụ bàn ăn. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Hoạt động du lịch đang trên đà khởi sắc. Lượng du khách cùng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực dần được phục hồi ở nhiều địa phương.

Song, những khó khăn, thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng cao vẫn hiện hữu.

Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và từng doanh nghiệp chung tay tháo gỡ, đáp ứng nguồn nhân lực đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển du lịch Việt Nam bền vững.

Nhu cầu lớn về nguồn nhân lực

Các chuyên gia khẳng định chất lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc hàng đầu vào kiến thức, kỹ năng, tay nghề, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ lao động trong ngành.

Do đó ở bất kỳ giai đoạn nào, ngành du lịch nói chung, các địa phương, từng doanh nghiệp du lịch nói riêng phát triển thuận lợi, đúng hướng hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân lực.

Nguồn nhân lực còn thiếu, có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách là thực trạng chung của nhiều địa phương, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch hiện nay.

[Phục hồi nguồn cung nhân lực du lịch: Chú trọng cả lượng và chất]

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị Du lịch toàn quốc vừa qua nêu rõ một trong những khó khăn, tồn tại của du lịch nước ta hiện nay chính là nguồn nhân lực thiếu do trong thời gian dịch bệnh, nhiều người đã chuyển ngành, đặc biệt là thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định năm 2023, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch là khoảng hơn 800.000 lao động và năm 2030 là hơn 1 triệu người.

Như vậy, giai đoạn 2022-2030, mỗi năm cần bổ sung khoảng trên 60.000 lao động.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2022, thành phố có gần 3.230 cơ sở lưu trú du lịch các loại với trên 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều khách sạn nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn về nguồn khách, nguồn nhân lực chất lượng cao do người lao động đã chuyển sang nghề khác và không có xu hướng quay trở lại.

Chung tay nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực ngành du lịch ảnh 2Đào tạo cách chế biến và trang trí thức ăn cho nhân viên bếp. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Hiệu trưởng Trưởng Cao đẳng Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Thơ thông tin tại Cần Thơ, nhiều trường Đại học như Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Đô, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học FPT... đều có đào tạo chuyên ngành về du lịch. Trong đó, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ - đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đã có bề dày đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường lao động tại Cần Thơ và các địa phương trong vùng.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu

Để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Việt Nam nỗ lực để thu hút nhiều du khách quốc tế, phân khúc du khách chi tiêu cao, một trong những giải pháp được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đề ra là phát triển nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm, tổ chức không gian du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ còn có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay nhiều chương trình ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển nhân lực du lịch giữa Thành phố với các địa phương, cụm phát triển du lịch đã được thực hiện.

Sở đã phối hợp với doanh nghiệp du lịch, các cụm tổ chức bồi dưỡng theo chuyên đề cho người lao động ngành du lịch ở một số địa phương về kỹ năng quản lý khách sạn nhỏ và homestay, kỹ năng quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương, nghiệp vụ hướng dẫn viên tại điểm và quản trị rủi ro.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, nâng chất nhân lực du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương cần tăng cường hợp tác, đào tạo người huấn luyện để đội ngũ này sẽ trở thành người hướng dẫn, cập nhật kịp thời những kỹ năng, chuyên đề mới cho lực lượng lao động du lịch tại địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành khi có các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế kịp thời thông tin đến các địa phương để cùng tham gia, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm thực hành nghề.

Trước mắt, ngay tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ chí Minh lần thứ 19 năm 2023 diễn ra từ ngày 6-9/4, các hoạt động tọa đàm, trao đổi, sàn giao dịch việc làm liên quan đến hoạt động đào tạo và tuyển dụng nhân lực du lịch sẽ diễn ra, kết nối kịp thời các doanh nghiệp dịch vụ du lịch có nhu cầu tuyển dụng với lực lượng lao động, các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhấn mạnh sự cần thiết chung tay nâng chất nhân lực doanh nghiệp du lịch giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết nhà trường và doanh nghiệp cùng nhau điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo để phù hợp với yêu cầu việc làm của doanh nghiệp.

Trường mời đại diện doanh nghiệp thỉnh giảng, trao đổi kinh nghiệm thực tế cho giảng viên và sinh viên.

Đồng thời, giảng viên của trường đến doanh nghiệp để giảng dạy theo nội dung doanh nghiệp yêu cầu.

Nhà trường ký kết, phối hợp với hơn 30 doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đến trường tuyển dụng trực tiếp thông qua các sự kiện kết nối việc làm, lễ tốt nghiệp, đăng tải thông tin giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, góp phần cung ứng nhân lực ngành du lịch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ góc độ doanh nghiệp - nơi trực tiếp sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Nga, đại diện Tập đoàn BRG, đề xuất trong đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực ngành du lịch đã chuyển đổi qua nhiều lĩnh vực khác.

Do đó, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp để thu hút nguồn nhân lực có kinh nghiệm quay trở lại. Đây là lực lượng góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch, các trường đào tạo nghề phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lại nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục