Chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ 2 thế giới đứng trước nguy cơ phá sản

Cineworld - công ty giải trí sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới - cho biết đang xem xét các khả năng tái cấu trúc bảng cân đối kế toán và tính đến lựa chọn là nộp đơn phá sản tự nguyện.
Chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ 2 thế giới đứng trước nguy cơ phá sản ảnh 1Cineworld - chủ sở hữu của chuỗi rạp chiếu phim Regal của Mỹ. (Nguồn: Variety)

Cineworld - công ty giải trí sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới - đang xem xét thủ tục nộp hồ sơ phá sản trong bối cảnh hãng này đang chật vật với các khoản nợ tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Ngày 22/8, Cineworld cho biết đang xem xét các khả năng tái cấu trúc bảng cân đối kế toán và tính đến lựa chọn là nộp đơn phá sản tự nguyện theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 19/8, cổ phiếu của Cineworld trên Sàn giao dịch chứng khoán London đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi báo Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin dự báo về các động thái tiếp theo. Cineworld có giá trị thị trường chỉ khoảng 66 triệu USD tính đến hết phiên giao dịch ngày 19/8.

Công ty cho biết đang đàm phán với các bên liên quan, bao gồm cả người cho vay và các cố vấn pháp lý, tài chính, đồng thời cho biết sẽ duy trì hoạt động theo quy trình bình thường cho đến khi có quyết định chính thức.

[Chuỗi rạp chiếu phim Cineworld dự định niêm yết cổ phiếu trên phố Wall]

Hồi tuần trước, Cineworld - chủ sở hữu của chuỗi rạp chiếu phim Regal của Mỹ vốn có khoản nợ ròng 8,9 tỷ USD vào cuối năm 2021, cho biết việc thiếu vắng các bộ phim bom tấn khiến khán giả không đến rạp và gây ảnh hưởng đến doanh thu.

Trong những năm qua, Cineworld liên tục mở rộng ra toàn cầu thông qua các thương vụ thâu tóm, bao gồm cả việc mua lại Regal Entertainment của Mỹ trị giá 3,6 tỷ USD vào năm 2017.

Cineworld có nghĩa vụ thanh toán cho các đổ đông cũ của Regal, khiến tình hình tài chính càng thêm căng thẳng.

Ngoài ra, sau khi từ bỏ kế hoạch thâu tóm Cineplex cách đây 2 năm, Cineworld đã bị đối thủ Canada này kiện và đòi bồi thường 1,23 tỷ CAD (khoảng 946 triệu USD) vì không thực hiện theo thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục