Những ngày cận Tết, những cánh đồng bãi bạt ngàn màu xanh của chuối tiêu hồng ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đang vào vụ thu hoạch rộ.
Ôtô, xe thồ nườm nượp đổ về tận ruộng chở những buồng chuối đẫy quả, xanh mỡ màng như xua tan cái giá buốt của thời tiết rét đậm rét hại, làm cho những ruộng chuối như ấm sáng tràn đầy sức Xuân. Bà con trồng chuối xã Đại Tập hồ hởi khoe: "Chuối Tết năm nay được giá, dân trồng chuối sẽ ăn Tết to hơn."
Thương hiệu đã được khẳng định
Vụ Tết năm nay, người trồng chuối Khoái Châu rất phấn khởi vì sau hơn 10 năm đứng vững trên đồng đất bãi ven sông Hồng, chuối tiêu hồng nơi đây đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội mới để khẳng định thương hiệu.
Theo ông Ngô Xuân Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, với kinh phí gần 1 tỷ đồng, dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chuối tiêu hồng Khoái Châu" được triển khai thành công, sẽ là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, giá trị sản xuất cho cộng đồng người dân vùng trồng chuối tiêu hồng Khoái Châu trong việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm tính ổn định của đầu ra sản phẩm.
Không còn bị ép giá như cách đây vài tháng, chuối tiêu hồng Khoái Châu giờ tăng giá gấp 3-5 lần. Giá chuối xuất khẩu có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg; mỗi buồng chuối bán buôn hiện có giá từ 300.000-400.000 đồng.
Nhiều vườn chuối ở Đại Tập, Đông Ninh, Tân Châu đã được khách đặt mua buôn gần hết nên không phải mang ra chợ bán lẻ.
Cùng với gà Đông Tảo nổi tiếng, chuối tiêu hồng của huyện Khoái Châu hiện nay đang chiếm lĩnh thị trường không chỉ chất lượng thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp mà đặc biệt là được trồng theo công nghệ sạch. Hiện có 15 hộ trồng chuối quy mô lớn đang áp dụng theo quy trình VietGap, không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng và bảo quản sản phẩm bằng các chế phẩm sinh học, chăm bón chất hữu cơ cân đối. Chuối sau khi ra buồng ngắt hoa được bao bằng túi nilon.
Do thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình chăm bón, sản phẩm chuối tiêu hồng luôn đạt chất lượng nên bán được giá cao hơn chuối ở nơi khác. Anh Nguyễn Năng Thành, ở xã Đại Tập trồng chuối nhiều nhất huyện Khoái Châu với hơn 30ha, cho biết để chuối bán được giá cao, phải kỳ công chăm sóc để cho ra những buồng chuối lạ mắt, đặc biệt là những buồng chuối lẻ nải, nải chuối lẻ quả để bán vào các dịp lễ Tết. Vì theo tâm linh, người dân rất chuộng những buồng, nải chuối kiểu này, nên giá thường cao gấp 2 lần so với chuối chẵn buồng, nải chẵn quả.
Cũng theo anh Thành, thị trường tiêu thụ chuối tiêu hồng mấy năm trước chủ yếu bán cho các thương lái nhỏ mang đi các tỉnh khác tiêu thụ và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, chuối được tiêu thụ mạnh khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Rồi các thương lái từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Arab tìm đến tận vườn đặt mua với số lượng hàng lớn.
Một vốn bốn lời
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu, cho biết với nhiều người dân ở Khoái Châu, cây chuối tiêu hồng mở ra hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo. Đây là giống cho năng suất cao, sinh trưởng khỏe, đạt 40-45 tấn/ha, chu kỳ trồng và khai thác khá nhanh, đầu tư không quá lớn so với các cây ăn quả khác, trung bình mỗi năm 1 sào chuối bỏ vốn và công chăm sóc hết khoảng 1,5 triệu đồng, cho thu lãi khoảng 8 triệu đồng.
Do lãi cao nên ở Khoái Châu, hiện nhiều hộ đã xây dựng trang trại chuyên canh chuối tiêu hồng hàng chục mẫu, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, tập trung nhiều tại một số xã như Đại Tập, Tứ Dân, Hàm Tử, Tân Châu, Đông Ninh...
Hiện nay diện tích chuối tiêu hồng của huyện đã tăng lên với khoảng 500ha. Đây được coi là cây chủ lực được Khoái Châu xem là một định hướng ưu tiên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện cũng chủ trương đảm bảo ổn định diện tích, không mở rộng ồ ạt, tự phát để tránh chạy theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu.
Hàng năm sản lượng chuối tiêu hồng đạt khoảng hơn 30.000 tấn, trị giá hơn 200 tỷ đồng. Huyện đang quy hoạch và phát triển cây chuối tiêu hồng thành vùng sản xuất hàng hóa tại các xã Đại Tập, Tứ Dân, Tân Châu và Đông Ninh... Đây là những vùng đất bãi có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây chuối.
Thời gian thu hoạch chuối tiêu có thể quanh năm hoặc có thể chỉ tập trung vào mùa Đông và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế cao. Theo tập quán canh tác của người dân địa phương, chuối tiêu hồng được trồng bằng hình thức nhân tách chồi. Vài năm trở lại đây, một số hộ dân tiếp cận với giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô của Viện nghiên cứu rau quả Hà Nội. Giống chuối nuôi cấy mô có thể điều khiển được thời gian ra hoa và thời gian thu hoạch cũng như tăng năng suất và chất lượng quả.
Với vị trí giáp thủ đô Hà Nội, hệ thống giao thông thuận lợi, thị trường tiêu thụ rộng, trên địa bàn huyện Khoái Châu đã hình thành những điểm thu mua nông sản tập trung tại các xã hoặc các chợ đầu mối như chợ Phủ, chợ Bái, chợ Đông Tảo để vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận, các khu đô thị, nhà hàng, khách sạn, khu dân cư, sơ chế xuất khẩu.
Để chuối tiêu hồng mang lại giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Khoái Châu, cho biết huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng thương hiệu, lập bản đồ vùng mang sản phẩm chuối tiêu hồng Khoái Châu; có quy chế sử dụng tem nhãn bao bì, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Theo đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng chuối cùng các doanh nghiệp liên kết sản xuất chuối tiêu hồng mang thương hiệu Khoái Châu có chất lượng cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng về số lượng để cung ứng cho thị trường tiêu thụ nội địa và mở ra hướng xuất khẩu ổn định./.