Chương trình Giám sát của Quốc hội góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện.

Thông qua các hoạt hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Năm 2023 Quốc hội đã lựa chọn hai chuyên đề giám sát tối cao và 2 chuyên đề giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nội dung báo cáo theo đề cương yêu cầu của các Đoàn giám sát, cũng như các thông tin tài liệu cần thiết liên quan; chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát. Các báo cáo thực hiện của Chính phủ được đoàn giám sát ghi nhận, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động giám sát, Phó Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung. Theo đó, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng, để đạt được hiệu quả cao cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Các Ủy ban, đơn vị chuyên môn của Quốc hội tăng cường phối hợp hơn nữa với các Bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát, cũng như trong quá trình thực hiện giám sát để nâng cao hiệu quả của chương trình giám sát.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế để việc giám sát ngày càng tốt hơn.

Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tăng cường phối hợp trong công tác giám sát

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nhiệm vụ phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một nhiệm vụ thường xuyên. Đây cũng là một trong các hình thức giám sát cơ bản của Mặt trận đã được pháp luật quy định.

ttxvn_giam sat cua QH (2).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đề xuất một số giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024.

Theo đó, hằng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động trong phối hợp đề xuất nội dung xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia ý kiến vào các báo cáo giám sát và Nghị quyết sau giám sát các chuyên đề.

Cùng với đó là đổi mới phương pháp, cách thức tham gia giám sát với Quốc hội; tham gia góp ý và dự thảo các kế hoạch giám sát; cử đại diện tham gia các hoạt động giám sát theo Chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời tham gia đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện các báo cáo giám sát trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự phối hợp thường xuyên trong việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi các kỳ họp của Quốc hội; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri và nhân dân...

Đóng góp ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đề cập đến việc phát huy, kế thừa kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan chức năng đối với vấn đề được giám sát để giảm thiểu thời gian, nguồn lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Cùng với đó là tăng cường phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội để đạt kết quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trước, trong và sau khi có kết luận giám sát chuyên đề để kịp thời thông tin đến cử tri, nhân dân đối với những vấn đề nóng, cấp bách, gây bức xúc trong dư luận.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.

Sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động của cơ quan dân cử từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trên địa bàn thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố luôn phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực, trách nhiệm; tham khảo nội dung chương trình, kế hoạch giám sát để có sự lồng ghép, phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn, sớm hơn và hiệu quả thiết thực.

Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tích cực tham gia trách nhiệm, triển khai có hiệu quả các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ sự lan tỏa với những cách làm quyết liệt, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã đổi mới, học tập, triển khai nhiều cách làm hay, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động giám sát. Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa Hội đồng Nhân dân với Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như: công tác quy hoạch, quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát.

Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến Hội đồng Nhân dân các cấp; trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục