Chương trình phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên có nhiều đột phá

Mục tiêu trong Nghị quyết số 23-NQ-TW là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên, đây là cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nông nghiệp quy mô lớn.
Chương trình phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên có nhiều đột phá ảnh 1Họp báo Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sáng 14/11, (Ảnh: Vietnam+)

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ có nhiều điểm mới với tính đột phá.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết trước thềm hội nghị công bố chương trình hành động sẽ diễn ra vào ngày 20/11 tới.

Phát triển xanh, hài hòa và bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng thời mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất “phên dậu phía Tây của Tổ quốc - Nóc nhà của Đông Dương.”

[Không gian văn hóa đặc sắc trình diễn áo dài và thổ cẩm Tây Nguyên]

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững,” hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chương trình dự kiến đớn tiếp 500 đại biểu tham dự hội nghị.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là hội nghị “ba trong một,” được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng.

Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là khí hậu thổ nhưỡng, tuy nhiên, vùng chưa xây dựng được thương hiệu nông sản và chưa xác định giá trị gia tăng cao.

Chương trình phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên có nhiều đột phá ảnh 2Tây Nguyên có nhiều tiềm năng lợi thế, đặc biệt là khí hậu thổ nhưỡng, tuy nhiên, (Ảnh: MPI cung cấp)

Trên cơ sở đó, mục tiêu trong Nghị quyết số 23-NQ-TW là phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên. Đây cũng là cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu để khẳng định với quốc tế.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Tây Nguyên có tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng rất lớn, điển hình là năng lượng Mặt trời, năng lượng gió; lĩnh vực bô-xít. Thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nhôm chất lượng cao, gắn với khai thác bền vững bô-xít tại Đắc Nông, gắn với bảo vệ môi trường cũng góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển. Ngoài ra, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng để phát triển dược liệu. Thổ nhưỡng tại đây có nhiều diện tích chưa khai thác hết, nhất là dưới tán rừng.

7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Chương trình hành động của Chính phủ dự kiến đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và là cơ hội cho vùng phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ dự kiến đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa-xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Chương trình phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên có nhiều đột phá ảnh 3Phát triển du lịch đặc sắc tại vùng Tây Nguyên. (Ảnh: MPI cung cấp)

Ngoài ra, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể và 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

“Chính sách về Tây Nguyên đang tạo cơ chế tốt, trong đó có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thời gian tới,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.