Chương trình Xây dựng nông thôn mới về đích trước mục tiêu

Xây dựng nông thôn mới đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu năm 2020, đặc biệt, các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, thành phố Đà Nẵng có 100% xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Xây dựng nông thôn mới với bước đi, cách làm phù hợp theo từng thời kỳ, giai đoạn, hướng đến hiệu quả, đạt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đây là những vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức tại Nam Định ngày 17/7. 

Diện mạo mới ở nông thôn

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 nội dung lớn trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Để phát triển toàn diện, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với quy luật tất yếu của sự phát triển. Xây dựng nông thôn mới là chương trình sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, được thực hiện ở tất cả các địa phương trong cả nước.

Với sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, lần đầu tiên Việt Nam đã lượng hóa được thế nào là nông thôn mới, nhất là hoạch định được chiến lược, mục tiêu và đưa ra các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới làm cơ sở triển khai, thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có thời điểm bị nhiều người hoài nghi vì để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; thay đổi phương thức sản xuất; củng cố thiết chế văn hóa cần một nguồn lực rất lớn. Hơn nữa, vào thời điểm năm 2010, Việt Nam chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cùng tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các địa phương; sự tham gia đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp, sau gần 10 năm toàn bộ các mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2010-2020 đã cơ bản đạt được.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân ở vùng nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Tính đến hết năm 2018, mức thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3-3,7 lần.

Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 4.458 xã (chiếm 50,1% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,26 tiêu chí/xã; có 76/664 (chiếm 11,45%) đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Xây dựng nông thôn mới đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 15 tiêu chí/xã). Đặc biệt, các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, thành phố Đà Nẵng có 100% xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều địa phương đang chuyển sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững.

Kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy, khoảng 84,78% số hộ nông thôn hài lòng về những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới thực sự tạo ra những vùng quê đáng sống, sáng-xanh-sạch-đẹp; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế; không chạy theo phong trào, thành tích. Xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, hiệu quả với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ,” chủ thể xây dựng nông thôn mới là nhân dân, lấy nhân dân làm gốc, lấy thôn, xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới.

Nam Định không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn từ Trung ương phân bổ mà phát huy nội lực, sức mạnh trong dân.

Tỉnh đã tập trung thực hiện thành công hàng loạt việc lớn, việc khó, có tính đột phá trong xây dựng nông thôn mới như dồn điền đổi thửa; xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ sinh thái môi trường nông thôn; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Nam Định đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa trong 5 năm 2010-2015. Tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh lên tới 21.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 27%, còn lại là các nguồn từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác.

Hiện tỉnh Nam Định có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra, trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2020.

Hộ nông dân Hứa Văn Ly, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, triển khai thí điểm mô hình nuôi dê lấy thịt của mô hình phát triển kinh tế hộ theo tiêu chí nông thôn mới. Xã Tân Lộc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Đảm bảo tính bền vững

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song thực tế quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những vấn đề tồn tại cần tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách và giải pháp hiệu quả hơn cho xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Trương Quang Học, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, tại một số địa phương đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa được đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Việc đồng nhất các tiêu chí về xây dựng công trình hạ tầng có thể ảnh hưởng đến bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030 bằng cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu để đảm bảo tính bền vững.

Nhà nước cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và cộng đồng thôn, bản tham gia phát triển sinh kế, quản lý, bảo vệ cảnh quan, phát triển văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, phát huy nội lực, tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, người dân trong các hoạt động ở cơ sở như: lập kế hoạch, đầu tư kinh tế, bảo vệ môi trường, quản lý trật tự, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét đưa tiêu chuẩn “công bằng” với người lao động và hỗ trợ người nghèo” vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các đối tượng này.

Xây dựng nông thôn mới cần gắn chặt với đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; từng bước hình thành các trục sản phẩm chủ lực theo 3 cấp: sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù vùng, miền; lấy doanh nghiệp làm hạt nhân trong liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường thời kỳ hội nhập.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, trước xu thế toàn cầu, mở cửa, hội nhập, cạnh tranh trong giai đoạn mới, chiến lược phát triển kinh tế, nông nghiệp của Việt Nam cần được điều chỉnh phù hợp, theo hướng hình thành cấu trúc chủ thể phát triển nông nghiệp mới; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, kết hợp chặt chẽ với nông dân và Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành mô hình liên kết hiệu quả và bền vững.

Ở những địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, hình thành các cụm liên kết công nghiệp, dịch vụ phục vụ cho các vùng chuyên canh nông nghiệp tại vùng nông thôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

"Để tận dụng được cơ hội, điều kiện thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải chuyên nghiệp hóa và doanh nhân hóa nông dân gắn với thu hút đầu tư, khởi nghiệp nông thôn nhằm tạo lập, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục