Ninh Bình huy động hơn 2.280 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã làm thêm được 264 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 35,5km; thẩm định 7 dự án giao thông nông thôn.
Ninh Bình huy động hơn 2.280 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới ảnh 1Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình đã huy động được 2.288 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư đóng góp và tự đầu tư là hơn 1.100 tỷ đồng.

Năm 2019, tỉnh Ninh Bình có 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết ngày 30/6, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của 12 xã là 16,3 tiêu chí/xã.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 89/118 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75%), bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã làm thêm được 264 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 35,5km; thẩm định 7 dự án giao thông nông thôn do Ủy ban Nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.

[Ninh Bình: Công nhận huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới]

Hệ thống thủy lợi, điện được đầu tư, nâng cấp với 115/118 xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và 117/118 xã đạt chuẩn tiêu chí điện. Ngành giáo dục cũng đạt nhiều kết quả với 92% trường đạt chuẩn quốc gia (436/474 trường).

Đặc biệt, thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng; các chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng cường liên kết cho người nông dân được đẩy mạnh triển khai.

Tuy nhiên, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình là nguồn vốn huy động cho Chương trình Mục tiêu quốc gia còn thấp so với yêu cầu, chủ yếu vẫn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi đó thủ tục đấu giá đất để huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn chậm, một số xã vùng xa trung tâm giá trị đấu giá đất thấp, số lượng ít nên huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn.

Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Ban Chỉ đạo các cấp cần tăng cường xã hội hóa trong đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để trả nợ, giảm nợ đọng cũ, hạn chế phát sinh nợ mới, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục