Từ nhiều năm qua, chó nghiệp vụ đã liên tục được đào tạo, huấn luyện tại Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (C69 – trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động). Những chiến binh 4 chân này sau khi “tốt nghiệp” sẽ trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ truy vết, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, chống bạo loạn, biểu tình…
Trong số những cảnh khuyển này, đặc biệt nhất có lẽ phải nhắc tới Donal và Tôm. Từ năm 2014, hai chú Bécgiê đã chính thức được chuyển về Trung tâm huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ. Nhận nhà mới chưa được bao lâu thì Tôm được “lệnh” lên đường phá án.
Đại úy Đỗ Văn Chức, người thầy gắn bó với Tôm không giấu tự hào khi kể lại chiến tích đầu đời của học trò cưng.
Sáu tháng sau ngày được huấn luyện, Tôm cùng Đại úy Chức nhận được Ban chuyên án phân công tham gia truy vết nhóm đối tượng buôn bán ma tuý đang lẩn trốn tại Sơn La. Trong trường hợp nghi phạm bỏ chạy, Tôm có nhiệm vụ “bắt mùi” để dẫn lực lượng cảnh sát bám sát kịp thời.
Thời tiết khu vực núi rừng Sơn La năm đó không thuận lợi. Gió rét phần phật quanh núi. Nhóm đối tượng lại liên tục thay đổi lộ trình, lệch khỏi dự đoán ban đầu của cả ban chuyên án khiến việc lần theo tội phạm trở nên càng khó khăn hơn.
Lúc này, mũi thần của Tôm trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Chú chó Bécgiê nghiệp vụ lao vun vút vào rừng sâu, sục sạo theo từng dấu vết mỏng manh còn sót lại. Sau một hồi truy dấu, Tôm dẫn cả đội tới tận nơi 2 đối tượng lẩn trốn. Chuyên án chính thức kết thúc với tang vật là 60 bánh heroin được giấu kín trong balô của các đối tượng này.
Bên cạnh nhiệm vụ truy bắt tội phạm, Tôm cũng đã tham gia cứu hộ, cứu nạn, điển hình là vụ tìm kiếm nạn nhân của vụ sập mỏ đá Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ).
Ngừng lại một lát, Đại úy Chức nhớ lại: Khi ấy là vào khoảng giữa năm 2014, một mỏ đá ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ bất ngờ đổ sập. Nhiều công nhân bị vùi lấp trong hàng chục khối đất đá. Mặc dù nỗ lực hết sức, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn bất lực trong việc kiếm tìm người xấu số nên đã gửi công văn đề nghị Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ giúp đỡ. Cùng hai “đồng nghiệp” cảnh khuyển khác, Tôm lên đường vào núi.
Khi tới hiện trường, thoáng nhìn thấy 3 chú chó được huy động tận từ Hà Nội lên, các công nhân đều lắc đầy quầy quậy. Sức người ròng rã xới lật từng mảng đất còn không ăn thua nữa là… mũi chó. Họ dè bỉu, họ nghi ngờ.
Để Tôm và cộng sự quen với mùi của nạn nhân, một loạt vật dụng hàng ngày của người xấu số được bày ra: Từ chiếc khăn mặt, đôi tất đến cả đôi đũa ăn hàng ngày. Hít ngửi một lúc, 3 chú chó chia ra 3 mũi bắt đầu sục sạo.
Không khí trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nắng tháng Năm ngùn ngụt như nung càng khiến Đại úy Chức sốt ruột. Sau chừng 1 tiếng, bất ngờ Chức thấy Tôm sủa vang trên một đống đất đá đổ nát.
Người đây rồi. Tìm được rồi!
Ngay lập tức, sức người, sức máy móc được huy động đào xới chỗ Tôm ra dấu. Chỉ sau chừng vài nhát cuốc, thi thể của nạn nhân Hà Văn Diện đã được tìm thấy và được đưa về với gia đình.
Đại uý Chức bảo, nếu kể về những chiến công như thế chắc phải mất… cả ngày. Nhưng điều khiến anh thấy thú vị nhất là mỗi một chú chó đều có một… tính cách rất riêng.
Nói đoạn, anh chỉ vào Tôm bảo: “Tôm thì điềm đạm, còn Donal thì lại mạnh mẽ nhưng có… tự trọng nghề nghiệp rất cao.”
Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, viên Đại úy thủng thẳng kể lại câu chuyện cách đây không lâu. Ấy là vào mùa Noel năm 2016, Donal được cử vào Hà Tĩnh tham gia đánh án ma tuý cùng Lex. Vốn được đào tạo “chuyên ngành” phát hiện ma tuý, nhiệm vụ của cả hai là đánh hơi, tìm kiếm ma túy tại nhà một đối tượng nghi vấn. Đây là khâu hết sức trọng yếu để có thể có vật chứng kết tội. Lex và Donal phân biệt được chia ra các mũi khác nhau để đánh hơi tìm.
Nhưng, trong chuyên án ấy, chỉ có Lex lập công. Đại uý Chức kể: Lần đó, khi được bồi dưỡng ăn đêm, Donal đã lần đầu tiên bỏ bữa không ăn.
“Có lẽ là vì Donal buồn khi không tìm ra được ma túy, không lập được chiến công nên không muốn ăn,” vị huấn luyện viên hóm hỉnh nói.
Bóng hồng duy nhất theo nghề dạy cảnh khuyển
Theo Đại uý Chức, việc huấn luyện cảnh khuyển không hề đơn giản như những gì mọi người vẫn hình dung. Điều kiện bắt buộc là các “thầy” phải đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương và đủ hiểu tính cách của mỗi “học trò” để có thể uốn nắn, dạy bảo được.
“Như Tôm rất thích được khen, nên tôi thường vỗ về cưng nựng nó như trẻ nhỏ. Với mỗi một chú chó, huấn luyện viên sẽ có cách tiếp cận khác nhau,” Đại uý Chức bật mí.
Thông thường, các bài tập dành cho chó nghiệp vụ sẽ được sắp xếp từ dễ tới khó. Ban đầu, chó sẽ được tập thể lực để nâng cao thể chất cũng như làm quen dần với khối lượng công việc, khối lượng vận động cường độ cao về sau. Tiếp đó, các “học viên 4 chân” sẽ được tập giám định các nguồn hơi cơ bản. Ở một cấp độ cao hơn, cảnh khuyển sẽ phải tự đi tìm các vật dụng cá nhân như khăn, giày dép, thậm chí là người được ẩn nấp tại những địa điểm khác nhau. Đây được coi là cơ sở cho việc truy vết, theo dấu trên thực địa trong các chuyên án chúng sẽ tham gia sau này.
Trung úy Hà Thu Trang là bóng hồng duy nhất đeo đuổi nghiệp “dạy cảnh khuyển” trong lực lượng của Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Bạn thân, người đồng chí đặc biệt của Trang có tên là Ben. Ben được đào tạo chuyên về phát hiện chất nổ và ma tuý.
Trung uý Trang cho biết: Thông thường, mỗi chú chó nghiệp vụ sẽ được “bàn giao” cho các thầy, cô từ ngày đầu và cũng sẽ theo họ đến khi sự nghiệp kết thúc. Trong suốt quãng thời gian này, người và chó sẽ gắn bó với nhau qua từng gia đoạn: từ huấn luyện, thực chiến, thậm chí là cả trong bữa ăn hàng ngày.
Bởi vậy nên, mặc dù đã có gia đình nhỏ của riêng mình, nhưng Trang thu xếp, vun vén để luôn dành một khoảng thời gian cho Ben. Ở phía ngược lại, người bạn 4 chân cũng dành cho nữ Trung úy những tình cảm hết sức đặc biệt.
Người và chó sẽ gắn bó với nhau qua từng giai đoạn: từ huấn luyện, thực chiến, thậm chí là cả trong bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ở khía cạnh nghiệp vụ, theo các huấn luyện viên như Đại úy Chức, Trung uý Trang, các bài tập sẽ được bố trí thường xuyên, liên tục. Thậm chí, để tăng hiệu quả, chính các thầy, cô sẽ phải hóa trang, khi thì thành tội phạm mang súng, khi thì là kẻ tàng trữ ma túy. Khi ấy, những học trò 4 chân, sau khi nhận được lệnh, sẽ vun vút lao tới, cắn xé, vật, truy đuổi bằng được chính các thầy. Những bài tập thực tế như vậy sẽ giúp cảnh khuyển không bị bỡ ngỡ khi xung trận. Chuyện bị chó vô ý cắn sượt vào tay, chân đã không còn quá mới mẻ đối với những người luyện chó ở C69.
Nhưng, chính những gian khổ của cả thầy và trò trong huấn luyện đã đem lại những thành tích khó phai mờ trong thực chiến. Chó, và huấn luyện viên dạy cảnh khuyển trong hơn 50 năm từ khi thành lập Trung tâm đã tham gia rất nhiều án ở nhiều cấp độ khác nhau. Từ việc cứu hộ cứu nạn như các vụ sập mỏ đá Tân Sơn (Phú Thọ), sập mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên), sập cầu Cần Thơ… đến các chuyên án ma túy cực lớn như tại Sơn La, Nghệ An… đâu đâu cũng có dấu chân của cảnh khuyển.
[Hình ảnh thú vị huấn luyện chó nghiệp vụ của lực lượng biên phòng]
Hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương đang tăng cường sử dụng động vật nghiệp vụ tham gia bảo vệ, tấn công, trấn áp tội phạm và hỗ trợ có hiệu quả công tác điều tra phá án, truy xét tội phạm. Động vật nghiệp vụ còn được sử dụng tham gia diễn tập thực binh 7 phương án chống bạo loạn, biểu tình, bắt cóc con tin, phòng chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy... do Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động hoặc các ngành phối hợp tổ chức.
Một số đơn vị, địa phương sử dụng động vật nghiệp vụ có hiệu quả cao như Công an Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Nghệ An… Trong đó, tiêu biểu là Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (C69) trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động.