Chuyển đổi số: Giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh

Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc đầu tư cho thương mại điện tử sẽ là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp phát triển.
Chuyển đổi số: Giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh ảnh 1Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói về sự phát triển của thương mại điện tử. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thương mại điện tử đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong các hoạt động mua sắm, trao đổi hàng hóa.

Điều này càng được khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trong khi các giao dịch trực tiếp gần như gián đoạn thì thương mại điện tử vẫn đem lại hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận trực tiếp với khách hàng quốc tế, thúc đẩy doanh số, tăng tốc quá trình tiếp thị và tiết kiệm chi phí.

[Thương hiệu quốc gia: Bước tiến vượt bậc của các sản phẩm Việt]

Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo: "Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số thành công trên nền tảng Thương mại điện tử," do Báo Công Thương phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.

Quy mô ngày càng tăng

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam bao gồm doanh thu tất cả hàng hóa, dịch vụ bán qua kênh thương mại điện tử liên tục tăng trong 5 năm qua.

Nếu như 2015, số người tham gia mua sắm trực tuyến chỉ khoảng 30,3 triệu người thì 5 năm sau (tức là năm 2019) đã có 44,8 triệu người tham gia.

Cùng với đó, giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng có thay đổi nhanh chóng, từ 160 USD vào năm 2015 tăng lên 225 USD vào 2019.

Với sự phát triển nhanh chóng như trên, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki, cho biết trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để kinh doanh thành công trên các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, doanh nghiệp có thể không mất phí xây dựng và vận hành; giảm chi phí marketing, nhờ tiếp cận trực tiếp với tập khách hàng lớn; giảm chi phí đầu tư nhân sự; tăng chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng mô hình vận hành, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc quản lý tồn kho và cung ứng sản phẩm cũng như thủ tục lên sàn đơn giản, nộp hồ sơ và duyệt trực tuyến.

Qua các thống kê, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Global Selling Amazon Việt Nam cũng đưa ra con số rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong năm nay sẽ vượt 6 lần so với bán hàng truyền thống.

Đặc biệt, dự báo quy mô thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vượt quá 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới.

“Trong đại dịch, các kênh bán hàng trực tuyến là phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. Việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn,” ông Trần Xuân Thủy nói.

Một báo cáo gần đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhận định đại dịch COVID-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Dù đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế-thương mại toàn cầu song doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số,” bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng kinh tế số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), thông tin thêm.

Chuyển đổi số: Giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh ảnh 2Doanh nghiệp nêu giải pháp phát triển thương mại điện tử. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nắm bắt cơ hội để thành công

Có thể thấy, trong xu hướng hiện nay, thương mại điện tử không phải là quá xa vời với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Song ông Trịnh Hoàng Linh, Giám đốc điều hành iExport, Công ty CP Procom Việt Nam lại đưa ra một khảo sát không mấy khả quan với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo đó, vẫn có hơn 70% các doanh nghiệp SME Việt Nam chưa triển khai xây dựng kênh thương mại điện tử cho doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử quốc tế.

Nguyên nhân chính là doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết làm thương hiệu, chỉ làm gia công cho khách hàng theo kiểu bán trực tiếp cho thương lái hoặc tìm kiếm khách hàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế, họ không quan tâm đến thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp chưa có kiến thức về thương mại điện tử quốc tế.

“Nhiều chủ doanh nghiệp biết về thương mại điện tử quốc tế nhưng không có kinh nghiệm và chưa biết cách làm nên khi bắt tay vào làm thì gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc triển khai không hiệu quả, dần dần họ sẽ nghĩ rằng thương mại điện tử là không hiệu quả và từ bỏ nó,” ông Trịnh Hoàng Linh dẫn chứng.

Để hóa giải những bất cập này, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết nhờ công nghệ BigData, IoT, doanh nghiệp có thể phân tích hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường. Qua đó, doanh nghiệp có thể tự cải tiến sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng, xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng, chiến lược tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…

“Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội hôm nay để có thể gặt hái được nhiều thành công trong tương lai,” ông Nguyễn Thế Quang chia sẻ thêm.

Năm 2020, thế giới và Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức từ các chuyển động, biến động toàn cầu; trong đó tác động của dịch COVID-19 đã chứng minh chuyển đổi số trên nền tảng thương mại điện tử là điều kiện tất yếu.

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện từ B2C (hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) tính cho cả hàng hóa và dịch vị tiêu dùng trực tuyến tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, đại diện Bộ Công Thương cho biết Chính phủ xác định thương mại điện tử là nơi các công nghệ tiên tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả, sản xuất-kinh doanh.

Việc phát triển thương mại điện tử, kinh tế số được thực hiện theo mô hình lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực và địa phương, để tạo sự dẫn dắt, lan tỏa trong xã hội.

- Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói về Thương mại điện tử:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.