Ngày 29/7, Viện Du lịch, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo trực tuyến "Cuộc cách mạng chuyển đổi số và những thách thức cho doanh nghiệp du lịch" thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Làn sóng chuyển đổi số du lịch
Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện Du lịch, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực tế chuyển đổi số đã phát triển ở nhiều nước và đang tạo sức lan tỏa đến thị trường nước ta. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh ở lĩnh vực chuyển đổi số. Do vậy, đơn vị kỳ vọng thông qua hội thảo này có thể kết nối các bên liên quan trong ngành Du lịch để thúc đẩy lĩnh vực này.
Thống kê cho thấy số hóa và cơ sở dữ liệu là một trong những xu thế phát triển mạnh mẽ trong ngành Du lịch, nhất là ứng dụng công nghệ AI (trí thuệ nhân tạo).
Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến thị trường toàn cầu nhưng vẫn có những doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin phát triển vượt bậc.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là giải pháp sống còn của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng để tăng trải nghiệm cũng như phục vụ khách hàng.
[Tiết lộ hướng tiếp cận mới để chuyển đổi số trong du lịch và khách sạn]
Cùng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược nhưng làm sao để doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, xây dựng hệ sinh thái tạo môi trường chuyển đổi số, quản lý sự phát triển chuyển đổi công nghệ...
Song song với đó, doanh nghiệp phải chuyển đổi số như thế nào để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường du lịch là bài toán cần lời giải để đảm bảo phát triển bền vững ngành du lịch.
Điển hình, lựa chọn công nghệ thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ bán hàng như thế nào để phân tích, đưa ra dự báo xu hướng khách hàng trong lĩnh vực du lịch; sử dụng dữ liệu, thuật toán đa dạng để kết hợp giữa tiếp thị và bán hàng.
Nếu thời điểm trước, doanh nghiệp chủ yếu phân khúc thị trường theo nhóm hay dùng những biến số phổ biến, ngày nay nhờ ứng dụng công nghệ có thể phân khúc thị trường bằng các yếu tố chi tiết, chính xác hơn.
Trong ngành du lịch, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để chi tiết hóa những chính sách đến mức cá nhân giúp tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng và thúc đẩy bán hàng. Phân phối khách hàng qua ứng dụng công nghệ cũng là công cụ hợp nhất tiếp thị và bán hàng, tạo ra tương tác khách hàng, thiết lập quy trình bán hàng, đáp ứng nhu cầu của họ. Khi xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, doanh nghiệp có thể dựa vào đó khai thác tốt hơn dữ liệu từ khách hàng, nhất là khách hàng trong "sân vườn" nhà mình, chú trọng "dịch vụ tại chỗ."
Cần hệ sinh thái cơ sở hạ tầng
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong ngành Du lịch ở một số quốc gia, tiến sỹ Nguyễn Thế Kiên, Trung tâm Dữ liệu và phân tích kinh tế, xã hội, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, chuyển đổi số đang có tác động sâu sắc đến ngành Du lịch trên toàn cầu, tạo tiền đề cho kỷ nguyên thời đại công nghệ số 4.0. Chuyển đổi số thúc đẩy điều chỉnh hành vi của khách du lịch, doanh nghiệp và các điểm đến du lịch cũng như hướng họ đến một góc nhìn cá nhân.
Tại Nhật Bản, Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển ứng dụng mobile, website quảng bá du lịch; đầu tư phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số...
Bên cạnh đó, thị trường du lịch Nhật Bản còn phát triển truyền thông quảng bá du lịch trên mạng xã hội, cung cấp thông tin phổ biến bằng tiếng Anh, ứng dụng công nghệ AI.
Thị trường du lịch Trung Quốc phổ biến ứng dụng công nghệ AI, tự động hóa, du lịch ảo ứng dụng công cụ kỹ thuật số... Đặc biệt, để tạo ra thành công về chuyển đổi số trong ngành Du lịch như hiện nay, Trung Quốc đã có nhiều giải pháp cụ thể được Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện, thu hút đa dạng nguồn lực cộng đồng tham gia.
Riêng tại Hàn Quốc, quá trình chuyển đổi số đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch. Kết quả này nhờ vào việc thị trường du lịch Hàn Quốc tập trung phát triển cơ sở hạng tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Du lịch trong những năm qua.
Trên cơ sở kinh nghiệm từ các quốc gia, tiến sỹ Nguyễn Thế Kiên đưa ra một số gợi ý cho ngành Du lịch Việt Nam có thể thúc đẩy chuyển đổi số như khuyến khích thúc đẩy các bên liên quan tham gia chiến lược chuyển đổi số du lịch quốc gia với sự tham gia của nhiều ngành nghề, lĩnh vực liên quan.
Ngoài ra, ngành Du lịch nên tối ưu công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường dựa trên những tiến bộ công nghệ thông tin và nền tảng internet.
Liên quan đến chuyển đổi số ngành Du lịch, một số chuyên gia cho hay, ứng dụng công nghệ AI là một trong những xu hướng cho thấy hiệu quả cao nhưng cũng đòi hỏi một chiến lược dài hạn và phụ thuộc vào chiến lược tái đầu tư của doanh nghiệp.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ AI đã và đang mang lại cho ngành Du lịch Việt Nam những công cụ vô cùng hữu ích như Chatbot, VR... Trong đó, Chatbot là phần mềm mô phỏng một thực thể - bản sao tương tác với con người thông qua văn bản, âm thanh hoặc cả hai; đồng thời nơi xuất hiện có thể trên website, ứng dụng di động và loa thông minh.
Lợi ích của Chatbot là dịch vụ nhanh chóng, cá nhân hóa, tăng hiệu quả hoạt động, chức năng đa ngôn ngữ, phân tích phản hồi khách hàng... Chatbot cho phép người dùng đặt vé máy bay, phòng, xác định vị trí khách lựa chọn đề xuất du lịch tốt nhất.
Xu hướng phát triển của Chatbot sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, dự báo nhu cầu khách hàng, phát triển mạnh chất lượng. Tác động của Chatbot đến ngành Du lịch là giúp tối đa hóa giá trị xã hội, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Ở Việt Nam, phần lớn khách du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng Chatbot, mở ra cơ hội mới cho ngành Du lịch với những cải tiến và ứng dụng tự động hóa trong tương lai. Thành phố Đà Nẵng đã phát triển Chatbot Danang FantastiCity là kênh tra cứu thông tin du lịch tự động trên tin nhắn./.<