Du lịch Việt Nam nỗ lực ứng biến trước cơn 'đại cuồng phong COVID’

Hai năm qua, COVID-19 khiến cả ngành du lịch luôn phải sẵn sàng trong tâm thế ứng biến. Trước cơn "đại cuồng phong" đang diễn ra, lãnh đạo ngành đã lên kế hoạch triển khai từng bước để hồi phục.
COVID-19 khiến cả ngành du lịch luôn phải sẵn sàng trong tâm thế "ứng vạn biến." (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
COVID-19 khiến cả ngành du lịch luôn phải sẵn sàng trong tâm thế "ứng vạn biến." (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng chính là cơ hội cho du lịch phục hồi, nhưng thực tế nền kinh tế xanh vẫn khó “bừng tỉnh” sớm hơn trong năm nay.

Dù các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đều đang nỗ lực ứng phó nhưng “cuộc chiến” vẫn chưa đến hồi kết. Dịch bệnh tưởng chừng trong tầm kiểm soát thì những biến chủng mới nguy hiểm hơn xuất hiện đã dập tắt mọi hy vọng đang le lói của những người làm nghề.

Dẫu vậy, ngành du lịch vẫn đang nỗ lực ứng biến từng bước ngay khi có cơ hội.

Những con số biết nói…

Sự sụp đổ của ngành du lịch thế giới trong năm 2021 do đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu từ 1,7-2,4 nghìn tỷ USD. 

[Cần cuộc 'cách mạng xanh' cho du lịch Việt phục hồi hậu COVID-19?]

Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được xây dựng với sự tham gia của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), có ba kịch bản có thể xảy ra cho ngành du lịch trong năm nay, trong đó bi quan nhất là lượng khách quốc tế có thể giảm đến 75%, tương đương doanh thu từ du khách toàn cầu giảm xuống gần 950 tỷ USD, thiệt hại cho GDP 2,4 nghìn tỷ USD.

“Du lịch quốc tế đã trở về mức của 30 năm trước, nhiều sinh kế đang thực sự bị đe dọa,” đại diện Tổ chức Du lịch Thế giới tại Geneva, bà Zoritsa Urosevic cho biết.

Du lịch Việt Nam nỗ lực ứng biến trước cơn 'đại cuồng phong COVID’ ảnh 1Du lịch quốc tế đã trở về mức của 30 năm trước. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng du lịch có thể phục hồi nhanh hơn ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh, Pháp, Đức và Mỹ. Song, tình hình sẽ chưa thể sớm tươi sáng trở lại.

Đến năm 2023, thậm chí muộn hơn, lượng du khách quốc tế sẽ không về mức trước đại dịch do các rào cản từ những chiến dịch hạn chế đi lại để ngăn chặn virus chậm, niềm tin của người dân còn thấp và sự kiệt quệ về kinh tế.

Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức Du lịch Thế giới, khi bàn về triển vọng của ngành du lịch, đa số cho rằng lĩnh vực này không thể phục hồi về mức trước đại dịch trước năm 2023.

Có tới 49% chuyên gia cho cho rằng ngành du lịch toàn cầu chỉ có thể phục hồi từ năm 2024; 36% tin là nền kinh tế xanh sẽ trở lại mức trước đại dịch từ năm 2023 và theo 14% thì du lịch có khả năng phục hồi vào năm 2022; chỉ 1% các chuyên gia tin vào điều không tưởng là nền công nghiệp không khói sẽ “sống dậy” ngay năm 2021.

Ở Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ thực tế ngành du lịch đã sang năm thứ hai đối mặt với những khủng hoảng do COVID-19 gây ra, hậu quả vẫn vô cùng nặng nề và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Du lịch Việt Nam nỗ lực ứng biến trước cơn 'đại cuồng phong COVID’ ảnh 2Đại dịch bùng phát liên tục khiến các hoạt động du lịch phải ngừng trệ. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Hơn một năm rưỡi qua, du lịch Việt hầu như chỉ trông chờ vào thị trường nội địa. Vậy mà sáu tháng đầu năm nay, khách nội địa cũng chỉ đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 15,8 triệu khách có lưu trú. Doanh thu từ du lịch lữ hành chỉ đạt 4.500 tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Đại dịch bùng phát liên tục khiến các địa phương trên cả nước phải nhiều lần công bố có dịch, dừng các hoạt động không thiết yếu; nhiều sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ; các khu, điểm tham quan, du lịch đóng cửa, nhiều tour du lịch phải hủy...

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã phải dừng hoạt động, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch phải đóng cửa, giãn nhân công, hướng dẫn viên thất nghiệp… Toàn ngành lâm vào trạng thái “chết lâm sàng.”

Phục hồi từng bước

Tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về xây dựng chính sách kích cầu cho hoạt động du lịch, lữ hành tuần qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt yêu cầu ngành cần triển khai Nghị quyết Chính phủ về kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch tập trung vào các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết; trong đó ưu tiên đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và người lao động, chú ý đến các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa, người lao động là hướng dẫn viên.

Theo Thứ trưởng Việt, Tổng cục Du lịch cũng cần tập trung vào những giải pháp liên quan trực tiếp đến du lịch và lữ hành, tính toán về thời gian kích cầu, thị trường khách… nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch ở những địa bàn đủ điều kiện đón khách, đảm bảo phòng chống dịch bệnh; chủ động đề xuất các chính sách mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Du lịch Việt Nam nỗ lực ứng biến trước cơn 'đại cuồng phong COVID’ ảnh 3Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu toàn ngành tập trung vào những giải pháp liên quan trực tiếp đến du lịch và lữ hành. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng chia sẻ với việc ngành du lịch cần có thời gian dài hơi hơn mới có thể phục hồi và phát triển như trước. Bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, hơn nữa lại chịu tác động lớn và trực tiếp từ dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 29/6, tại Nghị quyết 63/NQ-CP Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch và lữ hành.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Theo đó, dự thảo kế hoạch đề xuất tập trung vào chính sách hỗ trợ phục hồi hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch lớn; hỗ trợ phát triển kinh doanh du lịch đối với các doanh nghiệp và người lao động chịu nhiều tác động của đại dịch.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, như các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, ẩm thực, du lịch đêm… cũng được yêu cầu triển khai đồng bộ.

Kế hoạch cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ, kích cầu du lịch, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, các hoạt động xúc tiến, kích cầu trong và ngoài nước, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát; tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho khách du lịch; ưu tiên đầu tư triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch, ứng dụng công nghệ trong đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và các hoạt động kích cầu du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục