Nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các cơ sở sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình, Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Mục đích của chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất đồng thời hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện.
Chuyển đổi toàn diện
Theo Dự thảo, đến năm 2025, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được nhận các hỗ trợ từ chương trình (như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số).
Cùng với đó, chương trình cũng đặt mục tiêu tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh sẽ hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, ưu tiên trong một số lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch. Ngoài ra, chương trình sẽ thiết lập mạng lưới chuyên gia, gồm tối thiểu 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và xây dựng bản đồ hóa, công bố cơ sở dữ liệu gồm tối thiểu 100 giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đối tượng của chương trình là các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức thực hiện chương trình là các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, các hội và hiệp hội triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh theo chương trình và các bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số là các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ tối đa 50% phí hợp đồng tư vấn chiến lược
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo đưa ra bảy nhóm hoạt động dự kiến triển khai trong chương trình.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số và môi trường số; triển khai chương trình như phát triển, vận hành cổng thông tin, ứng dụng điện thoại thông minh của chương trình, từ đó tạo môi trường số triển khai các hoạt động, tăng cường tương tác giữa các đối tượng của Chương trình trên môi trường số cũng như xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn dùng chung.
Chương trình cũng sẽ tập trung phát triển và nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới, từ đó kết nối các chuyên gia với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, chương trình cũng xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số, hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến (do đây là nhóm đối tượng trong lĩnh vực ưu tiên, có các nghiệp vụ chuyển đổi số phức tạp hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ).
Ngoài ra, chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thông qua đánh giá, lựa chọn những cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ năng lực, cam kết chuyển đổi số để hỗ trợ tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa 50% chi phí hợp đồng tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai để cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số khi sử dụng dịch vụ tư vấn của chuyên gia trong mạng lưới chuyên gia của chương trình.
Mặt khác, dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Cụ thể, bên cạnh hoạt động đào tạo và tư vấn, chương trình xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề. Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả các quy trình kinh doanh-quản trị-sản xuất-công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Chương trình cũng hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển giải pháp, nền tảng chuyển đổi số, như xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số và kết nối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.
Đẩy mạnh hiệu quả của chương trình, dự thảo đề xuất triển khai các hoạt động truyền thông cho chương trình để tạo sự lan tỏa và kết nối, nhưx ây dựng tài liệu, tổ chức phổ biến thông tin, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hướng để thực hiện mục tiêu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số…
Theo dự thảo, kinh phí thực hiện chương trình bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên) và kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia chương trình.
Hiện dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến./.