Chuyên gia: '2019 có thể là năm khó khăn trong kiểm soát lạm phát'

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng giá điện tăng thì giá mặt hàng khác cũng hùa theo, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.
Chuyên gia: '2019 có thể là năm khó khăn trong kiểm soát lạm phát' ảnh 1Sản xuất thép tại nhà máy của tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong quý đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá, trong đó GDP quý 1/2019 tăng 6,79%, xuất khẩu tăng 4,7% và lạm phát cũng giữ ở mức thấp.

Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế-tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại sẽ có nhiều tác động đến Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự cộng hưởng của nhiều hàng hóa dịch vụ, nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát.

Để có những phân tích sâu hơn, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong đã có một số trao đổi với phóng viên xoay quanh những nội dung trên.

[Xuất khẩu quý 1 chậm lại do ảnh hưởng từ nhiều mặt hàng chủ lực]

- Nhìn vào kết quả kinh tế trong quý 1, ông có những nhận định và đánh giá như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong: Về tổng thể có một số tín hiệu tích cực khẳng định xu hướng phát triển ổn định, khá vững chắc của Việt Nam cũng như thể hiện nỗ lực vươn lên trong năm 2019.

Biểu hiện đầu tiên mà chúng ta thấy, với mức tăng trưởng GDP của quý 1 là 6,79%, mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn suốt chuỗi của quý 1, giai đoạn 2011-2017.

Và đặc biệt so với thế giới đang có xu hướng giảm thì đây là thể hiện đà tăng trưởng cũng như nỗ lực cải cách đầu tư của Việt Nam đang tiếp tục được ghi nhận.

Đáng chú ý, trong nông nghiệp đã có những điểm tích cực khi hình thành các chuỗi nông sản, bao gồm từ sản xuất, đến chế biến tiêu thụ và kể cả phân phối, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt với hàng nghìn tỷ đồng và doanh nghiệp nước ngoài với hàng tỷ USD.

Kể cả những doanh nghiệp sáng tạo đã thu hút được rất nhiều vốn, đây được cho là một trong những tín hiệu rất mới. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đứng được vào “tốp 10” doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thu hút được vốn của thế giới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thành lập mới và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có những tín hiệu rất tích cực, có thể nói số lượng đăng ký mới tăng vượt trội, kể cả số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng rất cao, gấp đôi số doanh nghiệp dừng hoạt động.

Đáng chú ý, doanh nghiệp FDI có 2 tín hiệu rất tích cực, mặc dù số dự án tăng chưa đầy 20-30% song số vốn đăng ký tăng thêm tới 80%. Hơn nữa, số vốn mua cổ phần cũng tăng gấp 3 lần năm ngoái, cho thấy quá trình cổ phần hóa của Việt Nam đang có sức hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Một ấn tượng nữa, trong quý 1 của năm nay, chúng ta vẫn duy trì được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khá tích cực.

Chuyên gia: '2019 có thể là năm khó khăn trong kiểm soát lạm phát' ảnh 2Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng chỉ ra nhiều tác động từ bên ngoài, như tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, các hoạt động đầu tư có xu hướng giảm... vậy ông có lo ngại những tác động này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam thời gian tới?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng có hai tác động lo ngại mà chúng ta cần chú ý trong năm 2019.

Theo đánh giá của thế giới thì thương mại giảm mạnh nhất trong 10 năm qua, thực tế quý 1, thương mại thế giới giảm (-1,8%). Một số nước lớn như Trung Quốc giảm 20%, Hàn Quốc giảm 15%.

Hơn nữa, nhìn vào mức xuất siêu chỉ khoảng gần 600 triệu USD, nếu tính cả nhập siêu dịch vụ cũng gần 600 triệu USD thì không còn xuất siêu nữa. Rõ ràng đây là tín hiệu cảnh báo về mặt xuất khẩu, nghĩa là chúng ta cũng phải hết sức lưu ý nếu không nhập siêu quay trở lại cộng với xuất khẩu kém đi.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tiền tệ và giá dầu, nếu hai cái này cộng hưởng với nhau sẽ tác động đến tỷ giá của Việt Nam và nếu chúng ta kiểm soát không tốt (mặc dù năm ngoái chúng ta đã giữ được tỷ giá khá ổn định) thì sẽ có dấu hiệu cộng hưởng để bùng phát trở lại.

Tôi khá quan ngại việc tăng giá điện ở mức 8,36% ngay từ đầu năm, cộng một loạt các dấu hiệu khác nữa thì 2019 có thể là năm hết sức khó khăn trong kiểm soát lạm phát.

- Dù CPI tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây song những tháng tới việc kiểm soát cũng rất khó khăn, nhất là việc điều chỉnh giá điện... Vậy theo ông, diễn biến thị trường và giá cả cần được quan tâm như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong: Theo tôi cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng giá điện tăng thì giá mặt hàng khác cũng hùa theo, nên đây là một trong những điểm chốt để ngăn chặn tình trạng cộng hưởng của việc tăng giá lạm phát nhất là hàng hóa nhạy cảm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý đến chi phí dịch vụ công, kể cả y tế, viện phí và một loạt dịch vụ công khác trong năm nay và thời gian tới sẽ theo chu kỳ thị trường hóa. Đây là một trong những điểm chốt thứ hai đó là phải kiểm soát các dịch vụ công thật tốt. Điểm tiếp theo nữa là tránh những tin đồn thất thiệt khiến hàng hóa tát nước theo mưa, tác động đến lạm phát.

Về cá nhân, tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, đây là việc rất cần thiết, còn lại với những mặt hàng có thể thị trường hóa được thì nên thị trường hóa bằng cách lành mạnh và công khai, tránh trường hợp lobby, xin cho để tạo ra việc tăng giá vì lợi ích hay cơ hội chứ không phải theo nguyên tắc thị trường.

Chuyên gia: '2019 có thể là năm khó khăn trong kiểm soát lạm phát' ảnh 3Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Mặc dù có xuất siêu, nhưng quý 1 xuất siêu không lớn, trong khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhất là CPTPP, vậy ông đánh giá vấn đề này ra sao?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong: Quý 1/2019 xuất khẩu chỉ tăng 4,7% trong khi năm ngoái tăng gần 25%, chính điều này đã giúp xuất siêu của quý 1/2018 tăng lên. Tuy vậy, nhìn vào chuỗi nhập siêu những năm gần đây thì việc tăng trưởng này vẫn có những điểm tích cực.

CPTPP mới có hiệu lực chính thức từ 19/1/2019. Do vậy các đề án thực hiện cũng cần cụ thể hóa thành những dự án, chiến lược, chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương sau đó mới triển khai cụ thể.

Do vậy trong quý 1 vẫn chưa có những tác động trực tiếp, tích cực từ CPTPP và hy vọng, nếu tốt lên thì từ nửa cuối năm sẽ có những tác động tích cực đến khu vực doanh nghiệp.

- Theo ông đâu là những vấn đề cần quyết liệt triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong: Để đạt được mức tăng trưởng năm nay hơn năm ngoái và CPI thấp hơn năm trước, rõ ràng là một thách thức thực sự.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhiều hơn, bên cạnh những đột phá về thể chế, hạ tầng thì hai trụ cột của năm nay là kinh tế tư nhân cộng với cách mạng công nghiệp 4.0. Nghĩa là chúng ta phải làm thực chất để tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, biến khu vực này trở thành động lực chính, có dư địa tăng trưởng tốt nhất của năm nay và năm tới.

Bên cạnh đó cần đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để có hướng đi mới.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.