Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 1/8 tại Jakarta, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức thảo luận về báo cáo của WB với tiêu đề "Sự hồi sinh của kinh tế Đông Á: Định hướng trong sự thay đổi của thế giới.”
Tham gia buổi thảo luận có các quan chức thuộc Bộ Thương mại, kinh tế Indonesia; giới học giả, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, chính trị thuộc các Viện nghiên cứu quốc tế và khu vực; giới truyền thông khu vực và quốc tế…
Ông Andrew Mason, Giám đốc phụ trách kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB đã trình bày báo cáo của WB đánh giá sự phát triển của khu vực Đông Á trong 1/4 thế kỷ qua là đáng chú ý và rất ấn tượng, với tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm đáng kể và hiệu quả tỷ lệ nghèo đói, đồng thời đảm bảo an ninh kinh tế. Sự hồi sinh của Đông Á được thể hiện qua thu nhập, năng suất và vốn nhân lực thấp hơn so với các nước thu nhập cao. Mô hình phát triển của Đông Á là tăng cường hợp tác đầu ra nước ngoài, tăng trưởng lao động, phát triển nguồn nhân lực cơ bản, quản trị kinh tế lành mạnh…
Kết quả cho thấy khu vực này tăng trưởng nhanh hơn các khu vực đang phát triển khác trên thế giới. Cụ thể từ năm 1991 - 2000, GDP bình quân của khu vực này chỉ tăng khoảng 80%, nhưng trong giai đoạn từ năm 2000 - 2016 đã tăng lên 250%. Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức mới nổi đối với khu vực Đông Á như dấu hiệu tăng trưởng năng suất chậm lại, đặc biệt là các khu vực nhà nước.
["ASEAN+3 là nền tảng vững chắc cho Cộng đồng Kinh tế Đông Á"]
Tình hình kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, với việc thay đổi nhanh chóng cán cân thương mại toàn cầu, điều này vừa mang lại những cơ hội mới vừa tạo ra thách thức phát triển mới, vì vậy các quốc gia Đông Á sẽ cần điều chỉnh mô hình phát triển của mình nếu muốn duy trì phát triển bền vững trong thời đại mới.
Phát biểu tham luận, bà Mari Elka Pangestu, Tiến sỹ kinh tế thuộc Đại học Indonesia cho rằng báo cáo của WB đã đánh giá đầy đủ về sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Á trong thời gian qua với những thành tựu kỳ diệu. Tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực này dựa trên việc đầu tư ra bên ngoài và xuất khẩu kết hợp với nguồn nhân lực cơ bản.
Nhận định về những thay đổi của kinh tế thế giới trong thời gian tới, bà Mari Elka Pangestu cho rằng lĩnh vực thương mại sẽ phát triển chậm lại là do cấu trúc của nền kinh tế thế giới, sự gián đoạn hệ thống giao dịch song phương và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Mặt khác, chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề toàn cầu hóa… đang gia tăng. Đề xuất giải pháp cho thời gian tới, bà Mari cho rằng các quốc gia khu vực Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng phải có chính sách phát triển bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối khu vực được thuận lợi, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng năng suất trong các ngành dịch vụ…
Kết luận buổi thảo luận, ông Andrew Mason cho rằng, mô hình phát triển của Đông Á đã mang lại sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững, giảm nghèo hiệu quả và đảm bảo an ninh kinh tế. Trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay đang gặp nhiều thách thức, rủi ro cao, các nhà hoạch định chính sách của Đông Á phải xem xét tìm giải pháp tốt nhất nhằm đạt được mục tiêu tham vọng là khu vực phát triển kinh tế nhất thế giới. Mặc dù bản chất và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như hướng đi của khu vực không phải không chắc chắn, tuy nhiên nếu không hành động dứt khoát sẽ có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội để duy trì tốc độ phát triển vượt trội như hiện nay./.