Chuyên gia đánh giá về cơ hội phát triển từ FTA Campuchia-Trung Quốc

Hiệp định FTA Campuchia-Trung Quốc nhằm mở rộng hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ và hợp tác, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2023.
Chuyên gia đánh giá về cơ hội phát triển từ FTA Campuchia-Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: b2b-cambodia.com)

Ngày 15/8, trang mạng Fresh News có bài viết tập hợp ý kiến của một số học giả Campuchia về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Campuchia-Trung Quốc, trong đó cho rằng hiệp định này sẽ đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành một Singapore thứ hai.

Nội dung bài viết như sau:

Hiệp định thương mại tự do được hiểu là một hiệp định miễn thuế được thực hiện giữa hai quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xóa bỏ các rào cản về thuế và hạn chế hàng hóa giữa hai nền kinh tế.

[Campuchia và Trung Quốc hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do]

Ngoài ra, FTA cũng bao gồm sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan.

Campuchia và Trung Quốc đã công bố hoàn thành nghiên cứu khả thi về FTA giữa hai nước vào tháng 7/2019.

Sau sáng kiến của lãnh đạo hai nước vào năm 2019 khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào ngày 20-23/1/2019 tại Bắc Kinh, hai bên đã tiến hành triển khai các nghiên cứu.

Ý nghĩa hiệp định song phương

Hiệp định FTA Campuchia-Trung Quốc nhằm mở rộng hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ và hợp tác, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2023.

Theo Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Sok Sopheak, sau khi FTA Campuchia-Trung Quốc có hiệu lực, hàng xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 25%.

Năm 2019, xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD và nước này nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc giá trị gần 7 tỷ USD.

Ngày 28/7, phát biểu tại cuộc họp báo về “Kết quả đàm phán xây dựng Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia-Trung Quốc,” ông Sok Sopheak cho biết hầu hết hàng hóa Campuchia nhập khẩu từ Trung Quốc là các máy móc và các hàng hóa phục vụ lĩnh vực xây dựng, không gây tổn hại đến lợi ích của người dân Campuchia.

Theo nội dung FTA, Campuchia sẽ có thể xuất khẩu 95% hàng hóa của mình sang thị trường Trung Quốc với tổng cộng hơn 340 mặt hàng.

Ông Sok Sopheak khẳng định: “Chúng tôi có thị trường để xuất khẩu tối thiểu khoảng 340 mặt hàng sang thị trường Trung Quốc và trong đó 95% số mặt hàng này sẽ được miễn thuế ngay lập tức, nghĩa là hưởng mức thuế 0%. 5% mặt hàng còn lại phải đợi sau 10 năm mới được hưởng miễn trừ.”

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Tiến sỹ Ky Sereyvath, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, cho biết việc ký kết FTA Campuchia-Trung Quốc là một động thái khôn khéo của Chính phủ Campuchia nhằm thiết lập một cực thương mại mới ngoài châu Âu và Mỹ, qua đó giúp quốc gia Đông Nam Á thoát khỏi sức ép kinh tế của các cường quốc phương Tây.

Tiến sỹ Ky Sereyvath nói: “Chúng ta không thể phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn, ví dụ như chương trình ưu đãi Tất cả mặt hàng trừ vũ khí (EBA) bị đình chỉ từ ngày 12/8. EBA bị đình chỉ có nghĩa Mỹ là sự lựa chọn duy nhất đối với Campuchia sau châu Âu, nhưng giờ đây Campuchia không phụ thuộc vào chỉ một thị trường Mỹ, vì nước này giờ đã có Trung Quốc là thị trường lựa chọn thay thế, có nghĩa là Campuchia đang có nhiều cực kinh tế hơn và đa dạng thị trường.”

Tiến sỹ Ky Sereyvath đánh giá: “Nếu Campuchia chỉ bám vào một cực kinh tế duy nhất, nước này sẽ phải chịu áp lực kinh tế từ các cường quốc. Do đó, chính phủ đang tìm cách thoát khỏi áp lực kinh tế bằng cách phát hiện các cực kinh tế mới thay vì chỉ xuất khẩu sang một thị trường duy nhất.”

Cơ hội phát triển bền vững

Theo nhận định của Tiến sỹ Ky Sereyvath, FTA Campuchia-Trung Quốc sẽ mang lại cho Campuchia nhiều cơ hội lớn để phát triển bền vững.

Thứ nhất, FTA Campuchia-Trung Quốc được thiết kế để đa dạng hóa ngành công nghiệp Campuchia bên cạnh lĩnh vực may mặc.

Thứ hai, Campuchia có thể thu hút đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp và thương mại nông sản.

Thứ ba, Chính phủ sẽ cần cải thiện luật và quy định liên quan đến FTA này. Thứ tư, Chính phủ Campuchia cần xác định các vị trí chiến lược trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Tiến sỹ Ky Sereyvath nhận định: “Khi nói về thương mại với Trung Quốc, chúng ta phải nghĩ đến hoạt động kinh doanh trực tuyến. Công nghệ 4.0 của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Một điểm nữa là cơ hội đầu tư với các nước thứ ba. FTA này không chỉ tập trung vào đầu tư với Trung Quốc, mà còn với các nước thứ ba đầu tư sản xuất hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc."

Ông Sereyvath cũng cho rằng: "Việc Trung Quốc sản xuất hàng hóa tại Campuchia và xuất khẩu sang Châu Âu theo chương trình EBA cũng vậy. Khi Campuchia được hưởng EBA, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đầu tư vào Campuchia để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu sang châu Âu. Trong bối cảnh đó, với FTA này, Trung Quốc cho Campuchia cơ hội thu hút các nước khác sản xuất hàng hóa tại Campuchia để xuất khẩu sang Trung Quốc. Cuối cùng, Campuchia sẽ nhận được công nghệ và kỹ thuật tốt hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.”

Singapore thứ hai?

Đồng quan điểm với tiến sỹ Ky Sereyvath, Tiến sỹ Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề thương mại Campuchia và Trung Quốc, cũng đánh giá cao FTA Campuchia-Trung Quốc.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng bày tỏ sự lo ngại rằng nếu Campuchia chưa thật sự sẵn sàng, nước này sẽ không thể có được lợi ích từ FTA này.

FTA Campuchia-Trung Quốc dự kiến sẽ được lãnh đạo hai nước ký chính thức vào cuối tháng 8/2020.

Tiến sỹ Sok Touch khuyến nghị rằng để tận dụng tối đa lợi ích của FTA, 5 bộ ngành của Campuchia phải phối hợp thúc đẩy hoạt động sản xuất của đất nước nhằm đáp ứng yêu cầu của hiệp định thương mại tự do này, đồng thời giúp Campuchia trở thành Singapore thứ hai.

Năm Bộ liên quan được nhắc đến bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục, Bộ Thanh niên và Thể thao, Bộ Lao động và Dạy nghề và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp.

Tiến sỹ Sok Touch giải thích: “Chúng ta phải sẵn sàng vì Bộ Thương mại đã mở đường cho thỏa thuận với Trung Quốc. Thương mại có vai trò tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của Campuchia, nhưng các Bộ khác cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có nhiều thị trường hơn, không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng ta càng mở cửa thị trường, chúng ta càng có nhiều cơ hội trở thành Singapore thứ hai.”

Ngoài việc thúc đẩy hợp tác giữa các Bộ và cơ quan liên quan, Tiến sĩ Sok Touch nêu ra một số thách thức khiến Campuchia khó tận dụng lợi thế của thương mại tự do như cơ sở hạ tầng vật chất, cơ sở sản xuất, chi phí vận chuyển cao hơn so với các nước xung quanh, thiếu nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp nặng và vừa và thiếu công nghệ hiện đại.

Tiến sỹ Sok Touch nói: “Thứ nhất, nhà đầu tư không ngại đầu tư vào Campuchia nhưng chúng ta phải chủ động trong lĩnh vực giao thông vận tải trước. Thứ hai, bộ máy quan liêu cần phải được loại bỏ. Thứ ba, sự thiếu hụt kỹ năng và vấn đề về nguồn điện.”

Ngoài ra, việc hàng hóa do các nước láng giềng sản xuất nhưng gắn nhãn “Made in Cambodia” để xuất khẩu sang Trung Quốc là một nguy hại gây tổn thất đối với Campuchia.

Sau khi ký kết FTA, dự kiến Campuchia sẽ xuất khẩu hơn 340 mặt hàng sang Trung Quốc, 95% trong số này được áp thuế 0%. 5% mặt hàng còn lại sẽ được miễn thuế trong 10 năm tới.

Những mặt hàng phía Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu từ Campuchia gồm các loại máy móc, phương tiện.

Trung Quốc không muốn nhập khẩu những sản phẩm ảnh hưởng đến sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, việc đánh thuế hàng hóa này không phải là vấn đề đối với Campuchia.

Theo Quốc vụ khanh Sok Sopheak, Campuchia không phải là quốc gia sản xuất tất cả các sản phẩm trên.

Ông Sok Sopheak cho biết hầu hết các mặt hàng nằm trong danh sách miễn thuế đối với Trung Quốc là các khoáng chất hóa học dùng trong công nghiệp, mặt hàng nhựa nhựa phục vụ công nghiệp lắp ráp và xuất khẩu.

Ngoài FTA với Trung Quốc, Bộ Thương mại Campuchia đã thành lập một nhóm công tác để xây dựng chính sách và chiến lược đàm phán FTA với Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Mông Cổ, Ấn Độ và Liên minh Kinh tế Á-Âu gồm 5 thành viên bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga.

Hiện nay, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, du lịch và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017 (đạt 5,6 tỷ USD).

Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.