Chuyên gia dự báo về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới

Nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ giảm tốc và tăng trưởng 2,8% trong quý 1/2021, sau đó, sẽ tăng tốc và tăng trưởng lần lượt 6%, 6,3% và 4,6% trong ba quý tiếp theo.
Chuyên gia dự báo về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh 1Quang cảnh tại quảng trường Herald ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo cuộc khảo sát đối với gần 120 nhà kinh tế do hãng Reuters tiến hành, kinh tế Mỹ sẽ trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trong vòng một năm, khi gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Song, nước Mỹ có thể mất hơn một năm để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức đầu năm 2020.

Beata Caranci, nhà kinh tế tại TD Securities, nhận định tâm lý lạc quan đối với triển vọng phục hồi kinh tế đã làm tăng kỳ vọng về tăng trưởng và lạm phát trong tương lai.

Theo nhà kinh tế này, thành công trong việc triển khai vắcxin ngừa COVID-19 và hiệu quả của quá trình này sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc xác định liệu các dự báo kinh tế có trở thành hiện thực hay không.

[Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu kinh tế "ảm đạm" trong năm 2020]

Cuộc khảo sát ước tính kinh tế Mỹ tăng trưởng 4% trong quý 4/2020, sau khi tăng trưởng 33,4% trong quý 3/2020 và sụt giảm kỷ lục 31,4% trong quý 2/2020.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ giảm tốc và tăng trưởng 2,8% trong quý 1/2021, sau đó, sẽ tăng tốc và tăng trưởng lần lượt 6%, 6,3% và 4,6% trong ba quý tiếp theo.

Trong cả năm, tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo ở mức trung bình 4,7% năm 2021 và 3,5% vào năm 20222, cao hơn so với mức 4% và 3,3% dự kiến trước đó.

James Knightley, Trưởng nhóm kinh tế quốc tế tại ING, cho rằng dù có những rủi ro rõ ràng liên quan đến các biến thể mới của dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan đến chương trình tiêm chủng, song những mặt tích cực vẫn lớn hơn những mặt tiêu cực.

Ngoài những rủi ro kinh tế do dịch bệnh gây ra, quan hệ với các đối tác thương mại cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc. Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra với quan hệ thương mại Mỹ-Trung trong năm nay, 46 trong số 52 nhà kinh tế cho rằng mối quan hệ này sẽ không có nhiều thay đổi.

Scott Anderson, nhà kinh tế tại Bank of the West, cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn bị khóa trong cuộc cạnh tranh thương mại và công nghệ toàn cầu trong tương lai gần bất chấp sự thay đổi về chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.