Chuyên gia: Hợp đồng S-400 là yếu tố gây căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Theo một phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ, hợp đồng tên lửa S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể là yếu tố gây căng thẳng và đã ảnh hưởng đến quyết định ngừng cấp thị thực của Mỹ.
Chuyên gia: Hợp đồng S-400 là yếu tố gây căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 của Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong thời gian gần đây khi ngày 8/10, hai nước đã ngừng cấp thị thực cho công dân mỗi nước sau khi Ankara bắt giữ người có tên Metin Topuz - một nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul để phục vụ điều tra.

Ngày 11/10, phát biểu với Sputnik, phóng viên Cansu Camlibel của tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, vụ bắt giữ đối tượng Topuz chỉ là một phần nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng.

Phóng viên này chỉ ra nguyên nhân khác đó là hợp đồng tên lửa S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể là yếu tố gây căng thẳng và đã ảnh hưởng đến quyết định ngừng cấp thị thực của Mỹ.

Trước đó, ngày 12/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chính thức rằng Ankara đã ký hợp đồng đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 với Nga.

S-400 Triumf là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa mới nhất của Nga, được đưa vào biên chế từ năm 2007.

Chúng được thiết kế để tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không từ máy bay cho tới tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, gồm cả tên lửa tầm trung, thậm chí còn diệt được cả mục tiêu mặt đất. Tên lửa S-400 có thể diệt mục tiêu ở cự ly tới 400km và ở độ cao tới 30km.

[Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ mong sớm bình thường hóa quan hệ với Mỹ]

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tha thiết bày tỏ nguyện vọng được mua tên lửa S-400 tối tân từ Nga kèm theo việc chuyển giao công nghệ để họ có thể sản xuất loại tên lửa hiện đại này, tuy nhiên, hai bên vẫn còn những khúc mắc chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang đối mặt với những vấn đề ngoại giao bởi một loạt hành động "không mấy thân thiện" của Ankara đối với Moskva.

Ngày 9/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy thỏa thuận S-400 nếu Nga không đồng ý sản xuất chung hệ thống.

Ngày 10/10, Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara sẽ "không bao giờ chấp nhận" việc Nga sáp nhập Crimea và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về vấn đề này.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp đặt những hạn chế nhập khẩu mới đối với sản phẩm nông nghiệp của Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.