Ông Veeramalla Anjaiah - nhà báo cao cấp của tờ Jakarta Post đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của Indonesia, đã đánh giá rất cao những thành tựu về đối ngoại của Việt Nam sau 35 năm Đổi mới.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta nhân sự kiện Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, nhà báo Anjaiah khẳng định công cuộc Đổi mới được thông qua tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang lại cho Việt Nam một chính sách đối ngoại thiết thực, linh hoạt và mềm dẻo.
Việt Nam đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1991 và bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đang hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, qua đó mang lại thịnh vượng cho đất nước. Ông Anjaiah khẳng định đó là bước tiến lớn.
Nhà báo nổi tiếng người Indonesia cho rằng việc gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995 là một bước đột phá trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam đã có một quyết định đúng đắn. Hành động ngoại giao này đã mang lại sự tôn trọng và tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Đó là một bước đi đặt nền tảng và là bước đệm đầu tiên để bước lên những nấc thang cao hơn. Tiếp theo đó, Việt Nam đã gia nhập APEC, WTO, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
[Hội nghị đối ngoại 2021: Đối ngoại Việt Nam nâng tầm vị thế quốc gia]
Ông Anjaiah nhấn mạnh kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và trách nhiệm cho hợp tác ASEAN, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực. Việt Nam theo đuổi và thực thi tất cả các chính sách của ASEAN. Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp thúc đẩy sự tiến bộ của ASEAN. Với những nỗ lực, cố gắng của mình, Việt Nam đang có vị thế được tôn trọng trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế.
Cũng theo nhà báo cao cấp của tờ Jakarta Post, Việt Nam đang nỗ lực để trở thành bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Từ một nước bị cô lập, Việt Nam cũng đang có quan hệ ngoại giao với 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.
Năm 2019, Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu hết sức ấn tượng 192/193 phiếu. Ông Anjaiah cho rằng đây là thành công lớn khác của ngành ngoại giao và đối ngoại Việt Nam.
Cùng với thành tựu đối ngoại, nhà nghiên cứu Anjaiah cũng ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông cho rằng cải cách kinh tế, tăng cường hội nhập với các nền kinh tế toàn cầu đã đưa Việt Nam bước vào quỹ đạo thịnh vượng. Tỷ lệ nghèo đói giảm xuống chỉ còn 4,8% vào năm 2020, giảm mạnh so với mức 70% giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Thu nhập bình quân đầu người tăng vọt từ 483 USD vào năm 1986 lên mức 3.842 USD hiện nay.
Từ một nước nhập khẩu lương thực, chỉ sau ít năm, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vượt qua nhiều nước trong khu vực. Theo ông, nhiều nước đang nhìn vào Việt Nam và mong muốn học hỏi mô hình phát triển của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Anjaiah cho rằng Việt Nam cần kiên trì chính sách đối ngoại vốn đã được chứng minh là có thể mang lại hòa bình và thịnh vượng. Trong đó, toàn cầu hóa, thương mại tự do, hòa bình, hữu nghị, trật tự và hợp tác dựa trên luật lệ phải là những nội dung chính của chính sách đối ngoại Việt Nam./.