Chuyên gia kinh tế: Không chủ quan trước những số liệu tăng trưởng

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nhiều người lạc quan với mức tăng trưởng 5,66% trong quý 1 song cần nhìn kỹ tăng trưởng này xuất phát từ đâu và những yếu tố này có tính bền vững như thế nào.
Sản xuất xe đạp tại Công ty Xe đạp Thống Nhất. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Không chủ quan trước những số liệu tăng trưởng là nhấn mạnh của các chuyên gia khi bàn luận về các giải pháp phục hồi kinh tế cũng như dự báo tăng trưởng trong thời gian tới

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định" do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 11/4, khi bàn luận về các giải pháp phục hồi kinh tế cũng như dự báo tăng trưởng trong thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh không được chủ quan trước những số liệu tăng trưởng.

Theo Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam, những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới dưới những tác động về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm… đã gây những ảnh hưởng bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc phục hồi kinh tế.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

“Quý 1 vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế tăng trưởng 5,66%, mức tăng trưởng trong quý 1 cao nhất từ năm 2020 đến nay. Nhiều người lạc quan đối với kết quả đạt được này, song cần nhìn kỹ tăng trưởng này xuất phát từ đâu và những yếu tố này có tính bền vững như thế nào," Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, đầu tư xã hội rất thấp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Điều này thể hiện ở chỉ số về tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp cũng thấp trong khi số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao còn số doanh nghiệp gia nhập thị trường rất thấp.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung phân tích hiện lạm phát trong tầm kiểm soát nhưng hàng loạt yếu tố khiến lạm phát có thể tăng trở lại. Đó là lãi suất khó giảm mà sẽ tăng, tỷ giá vẫn cao, điều chỉnh giá năng lượng, tăng lương…

"Những yếu tố này sẽ đẩy chi phí, làm tăng lạm phát nên không thể chủ quan," Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung khuyến cáo.

Dưới góc độ của Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Lê Xuân Sang đồng tình với quan điểm nhiều chỉ tiêu kinh tế thời gian qua đã có xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều thách thức.

"Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính vẫn chưa rõ nét, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiệu quả và nghệ thuật gỡ rối cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế" Tiến sỹ Lê Xuân Sang chỉ ra vấn đề.

Trước những thách thức này, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng cần sửa đổi về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm quy trình và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ… Song song với đó, tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

"Bên cạnh việc hỗ trợ trước mắt cho doanh nghiệp qua chính sách tiền tệ, tài khóa…, điều quan trọng là làm sao để doanh nghiệp dần vượt khó và bắt nhịp với xu hướng quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…, từ đó nâng cao giá trị và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, vừa là bài toán trước mắt vừa là câu chuyện tăng trưởng dài hạn," Tiến sỹ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Một góc Khu Công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trước đó, theo các chuyên gia, giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Đáng chú ý, lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn. Rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng. Những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng nghiêm trọng và tác động, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục