Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không đồng đều

Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, trong khi ngành du lịch vẫn đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không đồng đều ảnh 1Người dân mua hàng trong siêu thị ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/5/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, cho biết nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không đồng đều, trong đó xuất khẩu và đầu tư trong nước tăng mạnh, nhưng tiêu dùng yếu.

Các lĩnh vực liên quan đến du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí là những nơi sử dụng nhiều lao động nhất, nhưng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Trong khi đó, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch.

[Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đối mặt với những vấn đề mới]

Theo ông, sự phục hồi trong hoạt động tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại trong những tháng tới khi thị trường lao động dần được lấp đầy.

Các chỉ số về hoạt động kinh tế công bố ngày 17/5 cũng cho thấy đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1-4/2021 đã tăng 19,9%, đạt 14.380 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.240 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước đó, chậm hơn so với mức tăng 25,6% trong thời gian từ tháng 1-3/2021.

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn và số lượng công trình xây mới tính theo diện tích sàn đều hạ nhiệt trong thời gian từ thán 1-4/2021 so với ba tháng đầu năm trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tăng cường giám sát hoạt động tài trợ của các chủ đầu tư.

Nhà kinh tế Zhang từ Pinpoint Asset Management cho hay Chính phủ Trung Quốc có thể tạm dừng việc thắt chặt chính sách tiền tệ và quan sát tốc độ phục hồi kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng kỷ lục 18,3% trong quý đầu tiên của năm 2021 và nhiều nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ vượt 8% trong năm nay.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 4/2021 của Trung Quốc tăng chậm lại và doanh số bán lẻ không như kỳ vọng trong bối cảnh các quan chức cảnh báo về những vấn đề mới làm ảnh hưởng đến sự phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

NBS ngày 17/5 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4/2021 đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo nhưng giảm so với mức tăng 14,1% trong tháng 3/2021.

Doanh số bán lẻ tăng 17,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 24,9% và mức tăng 34,2% trong tháng 3/2021.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc vui mừng trước nhu cầu tăng mạnh, song tình trạng khan hiếm chuỗi cung ứng trên toàn cầu và chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất, làm chậm đà phục hồi kinh tế, vốn đang gia tăng sau sự sụt giảm do COVID-19 hồi năm 2020.

Phát ngôn viên NBS Fu Linghui cho biết mặc dù kinh tế Trung Quốc cho thấy sự cải thiện ổn định trong tháng 4/2021, song cũng có các vấn đề mới đang xuất hiện, đáng chú ý là giá hàng hóa trên thế giới tăng.

Lạm phát giá xuất xưởng của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2017 trong tháng Tư.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này), con số này có thể tăng hơn nữa trong quý 2 và quý 3/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.