Với con số tăng trưởng quý 3/2019 chỉ ở mức 6% - mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ - “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc có đáng lo ngại và tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu như nhiều nhận định?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “rơi vào vùng nguy hiểm,” nhưng phía Trung Quốc lại khẳng định vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Vậy thực hư tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Theo tôi, kinh tế Trung Quốc đang gặp trục trặc lớn hơn những gì được dự báo.
Thứ nhất, Trung Quốc đang sử dụng gói kích thích rất lớn, lên tới 4,2% GDP, tương đương 590 tỷ USD.
Thứ hai là sản xuất công nghiệp suy giảm rất mạnh, nếu tính theo trung bình 4 tháng thì chỉ tăng trưởng đạt 4%. Trong khi đó lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp suy giảm 1,7%.
Thứ ba là tăng trưởng bán lẻ đạt 6,2%, trong khi đó bán lẻ trực tuyến sụt giảm tới 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối cùng là tín dụng bơm thêm vào nền kinh tế chỉ đạt 0,3% GDP, so với 20% trong thời kỳ khủng hoảng năm 2008 và 10% trong khủng hoảng nhỏ năm 2015.
Điều này cho thấy mức độ hấp thụ vốn và mức độ sẵn sàng mở rộng kinh doanh của nền kinh tế Trung Quốc đang gặp những trở ngại.
- Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong các quý vừa qua. Vậy theo ông đây có phải là nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc mang tính dài hạn bởi rất nhiều vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế này vẫn chưa được cải cách triệt để.
Trong đó, thương chiến như chất xúc tác làm bộc lộ tất cả những điểm yếu của nền kinh tế. Đó là khả năng lường trước và ứng phó với các cú sốc bởi đây là nền kinh tế được bảo hộ mạnh mẽ từ trước đến nay.
Nếu nhìn từ góc độ như vậy, thương chiến Mỹ-Trung đã tác động cả trực tiếp và gián tiếp lên nền kinh tế Trung Quốc.
Ở góc độ trực tiếp, các tính toán định lượng cho thấy kể cả khi Trung Quốc có các chính sách bù đắp thì kinh tế Trung Quốc vẫn suy giảm 0,9 điểm phần trăm GDP, tương đương 1.400 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng USD chỉ đạt 0,1% (so với 12,7% của năm 2018), trong đó xuất khẩu sang Mỹ suy giảm 9% so với cùng kỳ.
Ở góc độ gián tiếp, thương chiến khiến cho nhiều chính sách vĩ mô của Trung Quốc phải tạm dừng lại, nhất là chính sách giảm nợ.
Bên cạnh đó, tham vọng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và thiết lập các luật chơi mới của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, như “Sáng kiến một vành đai một con đường” hay tham vọng quốc tế hóa đồng nhân tệ đều bị chặn đứng khi mà dự trữ đồng tiền này của các ngân hàng thế giới chỉ đạt 2%.
[Trung Quốc sẽ đối mặt với làn sóng vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử?]
Đặc biệt, thương chiến cũng tác động gián tiếp làm thay đổi chuỗi cung ứng đang được phân bổ ở Trung Quốc, tạo ra sự dịch chuyển sang các nước châu Á khác hoặc quay về Mỹ.
Điều này bất lợi với Trung Quốc bởi nó sẽ làm thay đổi căn bản lợi thế về quy mô sản xuất của quốc gia này.
Ngoài ra, một tác động gián tiếp khác là đánh mạnh vào tham vọng thực hiện Chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (MIC 2025). Theo đó, các đòn trừng phạt nhằm vào Huawei mà Mỹ ban hành giữa tháng 5/2019 có thể sẽ tác động lớn đến tham vọng phát triển mạng 5G và điện thoại di động thông minh của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.
- Xin ông cho biết những biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay đã có tác động như thế nào đến việc chặn đà giảm tốc của nền kinh tế?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Để đối phó với suy giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là suy giảm về xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, Trung Quốc đã tiến hành đồng thời các chính sách kinh tế, ngoại giao, chính trị mà nước này vẫn gọi là "4 trong, 5 ngoài" và mô hình 1+6.
Trong bốn chính sách đối nội thì quan trọng nhất là thực hiện các gói kích thích kinh tế và chiến lược “Đại khai phát miền Tây mới.”
Về các gói kích thích kinh tế, chi tiêu của Chính phủ đã giảm mạnh từ 8% xuống còn 2,6% trong đợt kích thích kinh tế 2018-2019.
Cho vay của các ngân hàng thương mại trong kích thích kinh tế cũng giảm từ 5,3% xuống còn 1,1% GDP và còn 0% trong giai đoạn 2018-2019.
Trong chính sách tài khóa, cắt giảm thuế được ưu tiên so với công cụ bơm tiền cho doanh nghiệp nhà nước thông qua Bộ Tài chính.
Với các chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ưu tiên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hơn là hạ lãi suất cho vay để tránh tín dụng nóng và nợ tăng lên.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên tới 3,5 điểm phần trăm, trong khi đến tháng 10/2019, PBoC mới lần đầu tiên hạ lãi suất cho vay thêm 5 điểm phần trăm.
Điều này cho thấy ưu tiên của Trung Quốc là kích thích kinh tế, nhưng vẫn phải kiểm soát rủi ro về tài chính.
Về Chiến lược “Đại khai phát miền Tây mới,” đây được coi là vùng đệm quan trọng với 350 triệu người để Trung Quốc hấp thụ toàn bộ rủi ro bên ngoài, tạo ra vùng dư địa chiến lược giúp hóa giải những rủi ro tiềm tàng.
[Kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc trong quý 4]
Về đối ngoại, Trung Quốc tích cực tìm kiếm và mở rộng các thị trường xuất khẩu để giải quyết bài toán sản xuất công nghiệp và dư thừa sản lượng trong nước.
Tuy nhiên, về dài hạn thì những vấn đề quan trọng hơn như hấp thụ vốn, tạo việc làm mới, đặc biệt là tỷ lệ lao động trong các ngành công nghệ cao đang bị tác động cũng là dấu hỏi lớn cho thấy Trung Quốc có thể vượt qua được các khó khăn hiện nay hay không?
- Theo ông, những đối sách này của Trung Quốc đã tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Việc Trung Quốc kích thích nền kinh tế bằng cách cắt giảm thuế và cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ tạo ra tác động kép đến kinh tế toàn cầu.
Một mặt, sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng vốn đang có xu hướng suy giảm của tất cả các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ cũng bắt đầu suy giảm xuống ngưỡng 2-2,5%.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc cắt giảm thuế cũng khiến cho độ trễ chính sách lớn hơn việc sử dụng các công cụ tiền tệ khác. Vì vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm tốc và phục hồi chậm hơn.
Điều đó khiến kinh tế toàn cầu sẽ ở trong trạng thái “ngủ đông” thêm 2 năm tới đây. Hiện Trung Quốc đóng góp đến 25-30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, có 4 tác động bất lợi từ các chính sách hiện nay của Trung Quốc. Đó là tính toán định lượng mô hình cho thấy nếu GDP Trung Quốc suy giảm 1 điểm phần trăm thì kinh tế Việt Nam sẽ suy giảm 0,5 điểm phần trăm, tức là tác động lan tỏa rất lớn.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu của Việt Nam cũng bị suy giảm tương đương 0,8-1% GDP, thay vì hưởng lợi như nhiều tổ chức quốc tế tính toán.
Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ mất giá như hiện nay nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục cắt giảm lãi suất khiến đồng USD yếu đi, đồng nội tệ của Việt Nam vẫn mạnh sẽ tác động đến xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam.
Và khi tiền đồng Việt Nam mạnh lên, có thể xuất hiện luồng vốn FDI nóng đổ vào Việt Nam và tạo ra áp lực về cơ sở hạ tầng công nghiệp, đẩy giá bất động sản công nghiệp tăng và làm trầm trọng vấn đề thiếu hụt năng lượng nếu chúng ta không có cách tiếp cận mới.
- Xin cảm ơn ông./.