Nửa đầu năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu thị trường dần phục hồi, sản xuất và nguồn cung tiếp tục tăng, cùng với hoạt động kinh tế nói chung đã được cải thiện.
Theo các nhà quan sát, trong môi trường quốc tế có nhiều biến động và phức tạp, nền kinh tế Trung Quốc đã thể hiện khả năng phục hồi tốt. Hơn nữa, các nguyên tắc cơ bản cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của nước này vẫn không đổi và sự phát triển chất lượng cao đang tiến triển đều đặn.
Nhu cầu trong nước mạnh mẽ
Phó Chủ tịch Cấp cao của Ngân hàng Cho vay hàng đầu Thái Lan Kasikornbank nhận định tăng trưởng của Trung Quốc có vai trò rất quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vượt qua nguy cơ đình trệ.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, nửa đầu năm nay, tăng trưởng của Trung Quốc đã vượt qua mức tăng trưởng 3% của cùng kỳ năm 2022 và 4,5% của quý 1. Nhờ đó GDP tính đến nửa đầu năm nay đạt 59.300 tỷ nhân dân tệ (8.300 tỷ USD).
Nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia La Plata, Argentina, Sebastian Schulz, nói tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định và thể hiện được khả năng phục hồi tốt.
Tốc độ tăng trưởng 5,5% trong 6 tháng đầu năm của Trung Quốc phần lớn là nhờ sự nâng cao cấu trúc kinh tế và tối đa hóa các nguồn động lực, vì tiêu dùng và dịch vụ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng chung.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Ajlan & Bros Holding Group - một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Saudi Arabia, Mohammed Al Ajlan, nhận định nhu cầu trong nước đã trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu của ba nhóm hàng công nghệ xanh lớn nhất nước này, bao gồm pin năng lượng mặt trời, pin lithium-ion và xe điện, trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 61,6% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung trong cùng kỳ.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Cơ đốc giáo Nữ Tokyo (Nhật Bản), Katsuyuki Hasegawa, nói phát triển chất lượng cao là từ khóa phổ biến nhất khi nói về phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc.
Xu hướng tăng trưởng dài hạn không đổi
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3, Suan Yong Foo, nhận định hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tương đối tốt, với một số tín hiệu mạnh mẽ.
Ông phân tích Trung Quốc có một số ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược, từ xe điện, các sản phẩm năng lượng mặt trời cho đến các loại hình dịch vụ mới. Có rất nhiều lợi thế cho sự tiến bộ công nghệ hơn nữa trong lĩnh vực số hóa, tạo cơ sở thúc đẩy đổi mới cho các lĩnh vực khác trên khắp Trung Quốc.
Chuyên gia Foo nhấn mạnh triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn là "rất sáng sủa." Cường quốc này có thể tạo ra những bước đột phá hơn nữa, để đảm bảo duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tăng cường sự phục hồi cho nền kinh tế trong dài hạn.
[Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu trong quý 2]
Nhà kinh tế học Ai Cập Waleed Gaballah lưu ý các dữ liệu tăng trưởng liên quan tới nền kinh tế Trung Quốc không nên xem xét một cách cô lập. Chúng cần phải được quan sát trong tổng thể.
Ông nói Trung Quốc phải đối mặt với các thách thức giống như những quốc gia khác, nhưng tăng trưởng kinh tế dài hạn của nước này không bị ảnh hưởng bởi các thách thức đó. Trung Quốc đủ khả năng để mở rộng hơn nữa quy mô thực tế của nền kinh tế. Phát triển công nghệ và khả năng đổi mới của nước này sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế thế giới
Các nhà quan sát quốc tế tin rằng trong môi trường thế giới phức tạp như hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc vẫn thể hiện vượt trội hơn nhiều so với các quốc gia khác. Chính sức mạnh này đã tiếp thêm động lực, cũng như niềm tin vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo Báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á năm 2023 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, sự phục hồi kinh tế của châu Á được thúc đẩy đặc biệt bởi Trung Quốc, quốc gia chiếm 64,2% tổng mức tăng trưởng chung.
So với số liệu tăng trưởng của Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản và Brazil, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là tương đối nhanh.
Giáo sư Nhật Bản Hasegawa nhận xét sự phát triển ổn định của nền kinh tế Trung Quốc rất quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, khi lãi suất tăng cao ở Mỹ và châu Âu, đi kèm với một môi trường kinh tế và tài chính thế giới nhiều bất ổn.
Giáo sư Gaballah đánh giá Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức bên ngoài giống như các quốc gia khác, nhưng cách thức quản lý nền kinh tế cởi mở và toàn diện của nước này không chỉ tạo ra sự phát triển nội tại, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Nhà bình luận Li Tianrong tin rằng Trung Quốc đóng vai trò là động lực, thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng. Hơn nữa, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn là chất xúc tác cho quá trình hợp tác, phát triển thương mại quốc tế và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Theo giới phân tích, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của chính phủ, Trung Quốc có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay cũng như phát triển ổn định và bền vững với chất lượng cao trong thời gian dài tới./.