Chuyên gia nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng trong gỡ Thẻ vàng IUU

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia Viện nghiên cứu vấn đề Đông Nam Á, cho rằng thách thức lớn nhất với Việt Nam là làm sao vừa đáp ứng những khuyến nghị của EC vừa đảm bảo sinh kế cho ngư dân.

Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tuyên truyền về IUU cho ngư dân khu vực biên giới biển. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tuyên truyền về IUU cho ngư dân khu vực biên giới biển. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ “thẻ vàng” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã mang lại những kết quả tích cực.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang - chuyên gia Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak) tại Singapore cho rằng bên cạnh những điểm sáng được thừa nhận rộng rãi, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm sao vừa đáp ứng được những khuyến nghị của EC vừa phải đảm bảo sinh kế ổn định cho hàng triệu ngư dân bám biển.

- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)?

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang: Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10/2017.

Chính phủ Việt Nam và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề này.

Một trong những điểm sáng lớn nhất trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam là việc Việt Nam đã nỗ lực xây dựng một khuôn khổ pháp lý để chống đánh bắt IUU, đặc biệt là việc ban hành các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các bộ, ngành, địa phương.

Có thể nói đã có sự đồng thuận rất lớn về mặt chính sách từ Trung ương đến địa phương để xử lý vấn đề IUU và điều này không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà ngay cả EC cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam.

Điểm nổi bật thứ hai là việc hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đánh bắt IUU. Việt Nam đã rất tích cực và thiện ý để mở rộng hợp tác không chỉ với các nước cũng có vấn đề về IUU trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, mà cả với những nước lớn khác như Mỹ và Australia thông qua các thỏa thuận hợp tác liên quan đến phòng chống IUU.

Ví dụ ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng với Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia - những nước Việt Nam chia sẻ đường biên giới biển.

Việt Nam cũng tham gia ký kết một số thỏa thuận hợp tác quốc tế của Liên Hợp Quốc liên quan đến lĩnh vực này trong khu vực Thái Bình Dương.

1208IUU.jpg
Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Một chuyển biến tích cực nữa là Việt Nam đã cố gắng giám sát chặt chẽ hơn việc thi hành và thực thi pháp luật đối với ngư dân. Các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của tàu cá, khuyến khích ngư dân thiết bị giám sát hành trình (VMS). Điều này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc giám sát các hoạt động của tàu cá.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của Việt Nam hiện tại là với đường bờ biển dài hơn 3.000km, 28 trên tổng số 63 địa phương có đường biển, cùng với số lượng tàu cá rất lớn và trên dưới một triệu ngư dân, thì việc thi hành tất cả các khuôn khổ pháp lý là điều không hề dễ dàng.

EC từ trước đến nay vẫn luôn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, có hai vấn đề mà Việt Nam vẫn chưa giải quyết được rốt ráo. Thứ nhất, vẫn tồn tại tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là việc truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, nhìn chung EC đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam vì trong các khuyến nghị mà EC đưa ra cách đây khoảng vài năm thì Việt Nam đã xử lý được gần hết. Điều đó cho thấy Việt Nam đã thực sự cầu thị, có những bước chuyển tích cực trong phòng chống đánh bắt IUU.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này thì không thể là chuyện một sớm một chiều và cũng không thể vội vàng đưa ra những chính sách xử phạt nặng được vì còn liên quan đến các vấn đề khác như an sinh xã hội, đời sống của hàng triệu ngư dân. Bản thân EC cũng hiểu điều đó, hiểu được cái khó của Việt Nam.

- Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến cử một đoàn thanh tra sang Việt Nam vào tháng 10 năm nay. Theo ông, EC kỳ vọng điều gì từ Việt Nam trong chuyến làm việc sắp tới?

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang: Trong đợt thanh tra năm nay, họ muốn nhìn thấy rõ hơn những kết quả mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong việc chống đánh bắt IUU và những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải là do vấn đề khách quan hay chủ quan.

Nếu là lý do khách quan, chẳng hạn Việt Nam cần hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn (như hỗ trợ kỹ thuật về việc lắp đặt hệ thống giám sát hành trình của tàu cá, truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng thủy hải sản) thì EU với trình độ phát triển kỹ thuật cao hơn sẽ tìm cách hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề kỹ thuật đó.

Cái quan trọng là EU thấy được có một sự tiến bộ nhất định, ít nhất là về mặt cam kết, về mặt thi hành pháp luật, để từ đó đưa ra những quyết định liên quan đến việc tháo gỡ “Thẻ vàng.”

Và thường họ sẽ chọn một số địa phương nhất định như các tỉnh miền Trung nơi có đường bờ biển kéo dài và nhiều tàu cá hoạt động để trực tiếp giám sát tình hình thực tế, xem việc lắp đặt hệ thống giám sát và quy trình đánh giá kiểm tra của Việt Nam như thế nào.

Điều mà chúng ta có thể làm là hạn chế tối đa các vi phạm bằng việc tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tàu cá, tuyên truyền để nâng cao ý thức của ngư dân, giảm số lượng tàu cá, tập trung vào những tàu có chất lượng quy mô tốt hơn để đánh bắt một cách hợp pháp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khi đoàn EC thấy được những tiến bộ như thế, họ sẽ có những cân nhắc về tình trạng thẻ vàng của Việt Nam.

- “Thẻ vàng” của EC đã ảnh hưởng thế nào đến ngành thủy sản của Việt Nam, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang: Rõ ràng, việc nhận cảnh báo “thẻ vàng” của EC làm cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi các nước khác gặp khó khăn hơn nhiều, các sản phẩm của Việt Nam bị tăng mức độ kiểm tra hơn. Thứ hai là người tiêu dùng, đặc biệt ở các nước phát triển, những thị trường lớn của Việt Nam như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển bền vững. Các vấn đề liên quan đến thuế quan, quy tắc, quy định cũng trở nên nghiêm ngặt hơn, làm chậm trễ hơn việc xuất khẩu. Đặc biệt, đối với các mặt hàng thủy sản thì yêu cầu phải tươi. Nếu sản phẩm bị lưu kho, rồi mất thời gian bị kiểm tra, kiểm định, thì sẽ bị lỡ hàng rất nhiều, chất lượng cũng bị giảm sút.

Một ảnh hưởng gián tiếp khác là liên quan đến hình ảnh hàng hóa Việt Nam, không chỉ sản phẩm đánh bắt mà cả sản phẩm nuôi trồng (ví dụ như cá basa). Người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm từ các thị trường khác mặc dù giá cả của hàng Việt Nam rất cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại từ các thị trường khác.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và Việt Nam có thể giải quyết rốt ráo vấn đề này như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang: Một trong những lý do của vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài là vì nguồn thủy sản gần bờ bị suy kiệt đến mức gần như không còn nữa. Vấn đề thứ hai là có những ngư trường truyền thống của mình lại nằm trong vùng tranh chấp. Vấn đề thứ ba là khi mà nguồn thủy sản bị suy kiệt thì dẫn đến áp lực về kinh tế, buộc người dân phải đi tìm những ngư trường khác để khai thác.

Còn về phía chính quyền, việc giám sát cả 28/63 địa phương có biển, với số lượng tàu cá lớn và hàng triệu ngư dân thì không hề đơn giản. Kể cả khi chúng ta yêu cầu các tàu lắp đặt hệ thống định vị VMS nhưng một số trường hợp, ngay khi ra khỏi cảng thì tàu lại tắt thiết bị đó. Vấn đề này liên quan đến ý thức của ngư dân. Trong khi đó, lực lượng kiểm ngư của Việt Nam cũng tương đối hạn chế, cả về mặt số lượng nhân sự, đến công cụ để xử lý các trường hợp vi phạm.

Một số nước đã áp dụng hình sự hóa các vi phạm về IUU và nhanh chóng đạt hiệu quả trong việc kiểm soát, ngăn chặn các vi phạm. Nhưng biện pháp đó lại gây ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của người dân, đặc biệt trong hoàn cảnh ở Việt Nam thì chủ yếu là các tàu bé, nguồn lợi thu không được nhiều, mà xử phạt nặng như tịch thu tàu, đốt tàu chẳng hạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân.

Chính phủ Việt Nam cũng nhìn ra những vấn đề đó cũng như những khuyến nghị của EC liên quan đến việc xử phạt vi phạm, nhưng không phải khuyến nghị nào cũng có thể làm nhanh được, mà cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân.

Giải pháp hiện tại là Việt Nam cố gắng thu gọn lại đội tàu, sử dụng những đội tàu hiện đại hơn để ký hợp đồng với những nước mà mình muốn khai thác. Giải pháp thứ hai là đào tạo nghề cho những người không có việc làm. Giải pháp thứ ba là xây dựng đội tàu do nhà nước vừa quản lý vừa tham gia sản xuất./.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục