Chuyên gia quốc tế đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam ở Davos

Trả lời phỏng vấn của TTXVN ở Brussels, tiến sỹ Pierre Groning, Giám đốc phụ trách chính sách thương mại của Amfori - đánh giá cao những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam tại Diễn đàn Davos.
Chuyên gia quốc tế đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam ở Davos ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - hay còn gọi là Diễn đàn Davos - là một diễn đàn toàn cầu thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo về chính trị, kinh tế cũng như các tổ chức xã hội đến từ tất cả các lục địa và hội tụ hầu như tất cả các nước.

Diễn đàn năm nay diễn ra tại Davos của Thụy Sĩ từ ngày 22-25/1. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự các sự kiện.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Brussels của Vương quốc Bỉ, tiến sỹ Pierre Groning, Giám đốc phụ trách chính sách thương mại của Hiệp hội Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Amfori) - đã đánh giá cao những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam tại diễn đàn này trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Theo ông Groning, Việt Nam là một nước phụ thuộc lớn vào ngoại thương - tổng kim ngạch xuất nhập khẩu theo tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 200%. Điều đó cho thấy Việt Nam là một nước mạnh về thương mại.

Ông Groning cho rằng trong quỹ đạo này, Việt Nam phải duy trì sự đảm bảo vững chắc trong việc hợp tác giữa các nhà nước để có thể truyền tải thông điệp cho thấy các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam đang hoạt động trong điều kiện tốt nhất.

Ông khẳng định Việt Nam có thể tận dụng WEF để thể hiện mình là một nước bảo vệ và thúc đẩy trật tự đa phương, đồng thời nhấn mạnh rằng WEF là nơi để các bên bày tỏ chính kiến, thay vì tìm kiếm một chủ nghĩa biệt lập như việc nước Mỹ thường thể hiện quan điểm khác biệt với phần còn lại của thế giới.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Diễn đàn Dịch vụ châu Âu (ESF) Pascal Kerneis đánh giá trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu liên quan tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông cho rằng Việt Nam là một nước hấp dẫn đầu tư. Việc đưa ra một thông điệp chắc chắn về toàn cầu hóa khi tham gia các cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính là những tín hiệu gửi đến các nhà đầu tư rằng Việt Nam muốn tham gia vào quá trình toàn cầu hóa cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

[Dự báo thế giới 2019: Căng thẳng địa chính trị tạo rủi ro cho kinh tế]

Ông Kerneis bày tỏ ủng hộ sự hội nhập của Việt Nam vào các giá trị cung ứng toàn cầu.

Việt Nam là một phần của mạng lưới - nơi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ra các loại hàng hóa được bán trên khắp thế giới. Đây là một trong những lý do để Việt Nam trở nên hấp dẫn, vì trước đây nhiều doanh nghiệp đã đặt cơ sở tại Trung Quốc - nơi tiền lương của người lao động tăng cao đã khiến những doanh nghiệp chuyển cơ sở của họ sang Việt Nam. Đây là yếu tố có thể giúp cải thiện sự phát triển của Việt Nam và tăng mặt bằng tiền lương.

Tuy nhiên, cần phải sản xuất các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Do đó, làm thế nào để đạt vị trí cao hơn trên thang giá trị là vấn đề quan trọng cho tương lai trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng giá nhân công tại Việt Nam sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, và lúc đó các nhà đầu tư có thể sẽ lại lựa chọn các địa chỉ khác như Bhutan, Nepal hay các nước châu Phi. Do đó, Việt Nam cần phải quyết định và điều chỉnh sự phát triển một cách tích cực để không làm mất đi niềm tin mà mình đã tạo dựng được cho tới nay.

Theo các chuyên gia, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giới trẻ là tầng lớp dễ bị tổn thương. Ông Kerneis nhấn mạnh thanh niên Việt Nam cần có tư duy sáng tạo để có thể trở thành những chủ doanh nghiệp trẻ nhờ vào các công nghệ mới dễ dàng tiếp cận hơn trước rất nhiều.

Cũng với lý do đó, việc số hóa nền kinh tế của Việt Nam có thể được hiện thực hóa do các thanh niên Việt Nam được đào tạo bài bản.

Giám đốc ESF đưa ra quan điểm là một tổ chức khu vực, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần hướng tới một thị trường chung như mô hình của EU, dù quy mô nền kinh tế của ASEAN nhỏ hơn.

Ông đánh giá 2019 sẽ là một năm tươi sáng đối với các nước Đông Nam Á./.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.