Chuyên gia Singapore ghi nhận tín hiệu lạc quan của kinh tế Việt Nam

Mặc dù tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam có vẻ đã qua, nhưng đất nước vẫn còn "một chặng đường dài" trước khi nền kinh tế có thể trở lại 100% công suất.
Chuyên gia Singapore ghi nhận tín hiệu lạc quan của kinh tế Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Các chuyên gia kinh tế Singapore trong lĩnh vực tài chính và chứng khoán nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong quý 3/2020 nhưng mức tăng trưởng yếu hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm của Việt Nam có thể ở mức 2,8-2,9%.

Theo báo Business Times (Singapore), GDP quý 3/2020 của Việt Nam đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái, con số khả quan hơn mức tăng 0,39% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, con số trên thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 2,7% của các nhà kinh tế khu vực tư nhân.

Trưởng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB, chuyên gia Suan Teck Kin cho rằng những số liệu này cho thấy tốc độ phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn còn yếu sau những sự gián đoạn khi dịch bệnh COVID-19 quay trở lại ở thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020. Cho đến nay, nhà chức trách đã kiểm soát được tình hình và các hoạt động kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại song vẫn ở dưới mức “bình thường.”

Các chuyên gia kinh tế Linda Liu và Chua Hak Bin của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng lưu ý rằng Việt Nam là quốc gia ASEAN-6 duy nhất thoát khỏi suy thoái trong bối cảnh đại dịch năm nay. Mặc dù vậy, đà phục hồi của Việt Nam suy giảm do sự xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ hai.

Ông Suan Teck Kin nhận định, mặc dù tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam có vẻ đã qua, nhưng đất nước vẫn còn "một chặng đường dài" trước khi nền kinh tế có thể trở lại công suất đầy đủ như trước đây.

[Kịch bản nào để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19?]

Tính tới hiện tại, các số liệu liệu cho thấy một “sự phục hồi yếu" trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, vốn chiếm hơn 70% tỷ trọng nền kinh tế Việt Nam. Lĩnh vực dịch vụ, vốn đang phụ thuộc nhiều vào du lịch trong nước, đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng biên trên toàn thế giới và có thể tiếp tục kéo dài tình trạng ảm đạm trong một thời gian nữa.

Ông Suan Teck Kim hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi hơn nữa trong quý 4/2020 với tốc độ tăng trưởng ước đạt 4,0% và tăng trưởng năm 2020 ở mức 2,8%.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn đầu nền kinh tế, trong khi ngành dịch vụ sẽ giảm do nhu cầu thấp hơn và hoạt động du lịch chưa phục hồi.

Theo các chuyên gia của Maybank Kim Eng, sự phục hồi tốt hơn mong đợi trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, cải thiện từ mức tăng 3,6% trong tháng Tám lên 4,9% trong tháng Chín, có thể cho thấy rằng các dịch vụ không liên quan đến du lịch đang bắt đầu bắt kịp xu hướng phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.