Chuyên gia Slovenia đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam

Theo nguyên Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Slovenia, nguyên Tổng Giám đốc CCIS, Việt Nam và Slovenia có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác về lao động, du lịch, logistics, xuất nhập khẩu nông sản...

Nguyên Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS), ông Ales Cantarutti. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)
Nguyên Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS), ông Ales Cantarutti. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)

Nguyên Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Slovenia, nguyên Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS), ông Ales Cantarutti nhấn mạnh Slovenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng bậc nhất ngoài EU, đồng thời nhận định hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau như lao động, du lịch, logistics, xuất nhập khẩu nông sản...

Ông Ales Cantarutti hiện là thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn DARS quản lý hệ thống cao tốc Slovenia, đồng thời là lãnh đạo Học viện Phát triển Slovenia.

Ông Cantarutti cho biết khoảng 8 năm trước, khi ông là Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế, Chính phủ Slovenia đã quyết định coi Việt Nam là một trong số những thị trường quan trọng nhất đối với Slovenia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Đó là lý do Chính phủ Slovenia đã chuẩn bị một kế hoạch hành động đặc biệt nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Slovenia và Việt Nam.

Thời gian đó, ông đã tới thăm Việt Nam cùng Bộ trưởng Kinh tế và phái đoàn doanh nghiệp Slovenia. Hai bên đã thảo luận về tiềm năng trong các lĩnh vực như logistics và thương mại, nhất là xuất nhập khẩu hai chiều.

Hai bên cũng thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực du lịch bởi đây là lĩnh vực quan trọng đối với cả hai nước, không chỉ vì vấn đề trao đổi thương mại, mà còn là trao đổi kinh nghiệm và tri thức.

Ông Cantarutti nhận định bước đi quan trọng tiếp theo là việc hai nước thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Slovenia, đánh giá đây là một thành công lớn bởi hai bên đã giải quyết được những khác biệt gai góc không chỉ giữa hai bộ mà còn giữa các cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế giữa Slovenia và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên Việt Nam vẫn đứng ở vị trí trung tâm trong chiến lược của các doanh nghiệp Slovenia muốn mở rộng hợp tác sang thị trường châu Á.

Slovenia hiện xác định Việt Nam là cửa ngõ để hướng đến thị trường châu Á, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế của Slovenia, một quốc gia tuy nhỏ nhưng là thành viên EU, để tìm kiếm cơ hội tại thị trường gần 450 triệu dân của EU.

Theo ông Cantarutti, sau đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Slovenia và Việt Nam dần được phục hồi. CCIS đã tổ chức một số hội thảo nhằm tăng cường hợp tác kinh doanh, tăng cường trao đổi đoàn với Việt Nam.

Theo ông, việc tăng cường tiếp xúc sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp hai nước đi đến ký kết các hợp đồng. Nhiều công ty Slovenia đang từng bước tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam. CCIS đánh giá Việt Nam là đối tác đáng quan tâm vì Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh với dân số trẻ hơn 100 triệu người, mang đến những cơ hội cho EU cũng như Slovenia.

Một điểm đáng chú ý được ông Cantarutti đề cập là việc Việt Nam có quan hệ truyền thống với Nam Tư cũ và hiện nhiều người Slovenia coi Việt Nam là một đối tác quan trọng.

CCIS đã tổ chức một số phái đoàn doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải và logistics tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội vì phía Slovenia đánh giá việc thiết lập kết nối giao thông rất quan trọng đối với việc tạo ra giá trị thương mại lớn hơn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ông nhấn mạnh rằng so với một số nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam được Slovenia quan tâm ưu tiên hơn vì phù hợp với Slovenia, hơn nữa Việt Nam có môi trường kinh doanh thân thiện hơn và Slovenia muốn tận dụng tốt mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam cho việc hợp tác.

Cá nhân ông cũng luôn khuyến khích CCIS và các chính trị gia Slovenia thăm Việt Nam vì theo ông, tất cả những mối quan hệ này rất quan trọng với việc hợp tác thương mại giữa hai nước.

Về tiềm năng hợp tác, ông Cantarutti đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước cùng nhận thức của công chúng Slovenia về Việt Nam là tiền đề rất thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác.

Các chính trị gia Slovenia có sự đồng cảm với Việt Nam và đây cũng là một yếu tố rất quan trọng. Theo ông, lĩnh vực tiềm năng cụ thể trước hết là xuất khẩu lao động.

Ông đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt Nam và nhấn mạnh rằng Việt Nam có dân số trẻ năng động, tri thức, có năng lực kinh doanh, có tiềm năng trong các lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ mới, AI, thể hiện lòng quyết tâm trong công việc và điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để lao động trẻ có thể bộc lộ hết tiềm năng.

ttxvn-linh-kien-dien-tu-4589.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông cho biết thị trường Slovenia đang thiếu lao động và Slovenia thường tiếp nhận lao động từ các quốc gia láng giềng thuộc Nam Tư cũ như Serbia hay Bosnia & Herzegovina vì ít gặp phải rào cản về ngôn ngữ. Tuy nhiên, nguồn cung từ các thị trường này cũng đang thiếu, do đó Slovenia đang hướng đến tiếp nhận lao động từ các thị trường xa hơn như Ấn Độ, Bangladesh hay Philippines.

Chính vì vậy, CCIS và cộng đồng doanh nghiệp Slovenia cũng đã thảo luận với Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia về khả năng đưa lao động Việt Nam sang làm việc ở Slovenia.

Ông Cantarutti đánh giá lao động Việt Nam rất chăm chỉ, có trình độ và kinh nghiệm. Cơ hội sẽ được mở ra khi hai nước ký kết các thỏa thuận hợp tác ở cấp bộ và chính phủ. Slovenia hiện có nhu cầu đối với các chuyên gia trong các lĩnh vực như khoa học máy tính, khoa học cơ khí, cũng như lao động có tri thức, vì đây là những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Slovenia.

Theo chiều ngược lại, Slovenia cũng muốn xuất khẩu được nhiều hơn sản phẩm có hàm lượng tri thức cao sang Việt Nam. Từ năm 2018, Slovenia đã thấy được cơ hội hợp tác trong ngành ô tô với thị trường hơn 100 triệu dân của Việt Nam.

Một số doanh nghiệp trong ngành ôtô của Việt Nam rất có tiềm năng, trong khi Slovenia có khoảng 15 nhà sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô thuộc loại lớn của châu Âu. Do đó, Slovenia có thể hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với phía Việt Nam.

Ông Cantarutti cũng đề cập triển vọng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực tri thức, công nghệ mới, hợp tác giữa các trường đại học, do đó ông cũng khuyến khích tăng cường trao đổi sinh viên giữa hai nước, mặc dù việc này còn cần thêm một số bước để triển khai.

ttxvn_thu hoach ca phe 3.jpg
Thu hoạch càphê. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, triển vọng hợp tác nhập khẩu càphê từ Việt Nam được ông Cantarutti nhận định rất hứa hẹn vì người dân Slovenia ưa chuộng càphê và Slovenia muốn nhập khẩu những sản phẩm chất lượng cao.

Một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác là xuất khẩu rượu vang Slovenia sang Việt Nam. Slovenia không phải là nhà sản xuất lớn, nhưng là nhà sản xuất rượu vang có chất lượng, trong khi đó thị trường tiêu thụ rượu vang của Việt Nam đang được mở rộng, tạo ra cơ hội cho các sản phẩm có sức cạnh tranh của Slovenia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.