Chuyên gia Trung Quốc: Việt Nam kế thừa, tiếp nối những thành công trong Đổi mới

Nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền nhận định bài phát biểu của tân Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không thay đổi trong thời gian tới; sẽ tiếp tục được kế thừa và tiếp nối.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sự nghiệp và di sản chính trị do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm huyết gây dựng cả đời đã có người kế nhiệm, sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên phong khởi xướng chắc chắn sẽ được phát huy hơn nữa.

Dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII với ông Tô Lâm làm nòng cốt, nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp Đổi mới.

Đây là nhận định của ông Lăng Đức Quyền, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, nhà nghiên cứu các vấn đề Việt Nam, nguyên Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội, khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kiện toàn chức danh Tổng Bí thư cũng như những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Lăng Đức Quyền, sáng 3/8 vừa qua, ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với số phiếu tuyệt đối là một sự kiện quan trọng và hợp lý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo trung ương, cho thấy tình hình chính trị Việt Nam ổn định, có trật tự, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định, vững mạnh.

Về những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền nhận định bài phát biểu của tân Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Đường lối đối ngoại kể từ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa và tiếp nối.

dai hoi dang.jpg
Đại hội XIII của Đảng - thống nhất "ý Đảng, lòng dân," đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: TTXVN)

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, núi liền núi, sông liền sông. Ông Lăng Đức Quyền nhấn mạnh: “Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến triển vọng phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Cuối năm 2023, hai nước cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, mở ra chặng đường mới, chương mới cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.”

Ông Lăng Đức Quyền cũng tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo, chèo lái của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam sẽ được tăng cường hơn nữa; việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất.

Hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam sẽ phát huy tình hữu nghị truyền thống “Vừa là đồng chí, vừa là anh em,” củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, làm sâu sắc hơn trao đổi chiến lược và thúc đẩy hợp tác thiết thực, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình trên thế giới và tiến bộ của nhân loại.

Về công tác phòng chống tham nhũng, nhà nghiên cứu các vấn đề Việt Nam này cho rằng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai...,” kiên quyết, kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ Đảng.

Phòng, chống tham nhũng là một phần quan trọng trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khiến chuyên gia Lăng Đức Quyền tin rằng cuộc chiến chống tham nhũng “Đốt lò” do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động sẽ được tiếp tục triển khai. Điều này phù hợp với “ý Đảng, lòng dân” của Việt Nam và được toàn Đảng, toàn dân bảo vệ và ủng hộ.

ttxvn_Luong Duc Quyen-Truong Phan xa Tan Hoa xa.jpg
Ông Lăng Đức Quyền, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thành Dương/TTXVN)

Nguyên Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội Lăng Đức Quyền nhấn mạnh nhân dân Việt Nam đang nỗ lực không mệt mỏi để đạt được các mục tiêu, tầm nhìn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và đã đạt được nhiều kết quả mang tính bước ngoặt, quan trọng.

Đảng và nhân dân Việt Nam kiên trì tinh thần “5 Tự” là “Tự chủ, Tự tin, Tự lực, Tự cường, Tự hào dân tộc” và nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, đứng vững trước mọi thử thách, vững bước trên con đường và mục tiêu đã chọn.

Tình hình những năm gần đây cho thấy thế giới có nhiều biến động, môi trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt và phức tạp, các yếu tố bất ổn, khó lường về chính trị, an ninh, kinh tế ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, ông Lăng Đức Quyền tin rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lãnh đạo đất nước, nhân dân giữ vững đường lối, mục tiêu đã định của mình, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, đương đầu với rủi ro, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất có thể.

Ông Lăng Đức Quyền trích dẫn nội dung bài viết quan trọng ngày 4/8 của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; ráo riết tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong.

Các thách thức an ninh phi truyền thống gây ra nhiều tác động tiêu cực; sự xuất hiện, phát triển của không gian mạng cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư với quy mô, tốc độ chưa từng có, đem đến thời đại mới mà quốc gia kém phát triển, đang phát triển có thể tận dụng thời cơ, đi tắt đón đầu, phát triển vượt bậc, vươn lên thành những quốc gia hùng mạnh hoặc bị rơi vào hố sâu tụt hậu nếu không tận dụng được thời cơ."

Đánh giá chiến lược này rất quan trọng, ông Lăng Đức Quyền cho rằng vô số kinh nghiệm và bài học quốc tế đã chứng minh rằng điều kiện tiên quyết và bảo đảm cho việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững là bảo đảm an ninh chính trị của Đảng, đất nước và sự ổn định của toàn xã hội.

Nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền khẳng định: “Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế, phát huy tiềm năng, tăng cường sức mạnh, ứng phó với rủi ro, thách thức, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục