Chuyên gia UNESCO khảo sát Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Sau khi khảo sát các tuyến tham quan, đoàn chuyên gia UNESCO đánh giá tỉnh Cao Bằng đã xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Công viên địa chất đáp ứng được được 50% yêu cầu đặt ra.
Đèo Mã Phục ở xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng) nằm trên tuyến Quốc lộ 3, nổi tiếng bởi sự hiểm trở và vẻ đẹp thiên nhiên kỹ vỹ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 9/8, đoàn chuyên gia UNESCO do ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng về phân tích thực trạng Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí của UNESCO.

Sau khi khảo sát các tuyến tham quan, đoàn chuyên gia UNESCO đánh giá tỉnh Cao Bằng đã xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Công viên địa chất đáp ứng được 50% yêu cầu đặt ra.

Tỉnh đã cho khai thác ba tuyến tham quan (khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay, trở về nguồn cội, trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ sở thần tiên) trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đồng thời, tỉnh Cao Bằng đã làm tốt công tác thông tin truyền thông đối với việc giới thiệu hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như phát tờ rơi ở các tuyến tham quan, đặt nhiều bảng hiệu để du khách nhận diện các điểm di sản.

[Pháp hỗ trợ bảo tồn công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng]

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được thiết kế đẹp, chắc chắn; công tác đảm bảo an toàn cho du khách tham quan được tỉnh chú trọng và quan tâm như lắp gương cầu, kẻ vạch qua đường tại số một điểm di sản...

Tuy nhiên, tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đang tồn tại một số hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới như một số biển thông tin mới được đầu tư nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng; một số điểm di sản không có lối đi cho du khách, bố trí điểm đỗ xe không hợp lý...

Đặc biệt, công tác quản lý chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả. Cụ thể, các địa phương thuộc khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được tỉnh quan tâm đầu tư không đồng đều hoặc được đầu tư nhưng thiếu sự tư vấn của Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Tại một số điểm di sản, người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, biển thông tin đối tác không được treo lên, một số điểm di sản có tính chất khác biệt đã có sự can thiệp của người dân làm thay đổi hiện trạng tự nhiên của điểm di sản đó...

Đoàn chuyên gia UNESCO đề nghị Cao Bằng cần xây dựng một số biển báo ở các điểm di sản để thu hút sự chú ý của du khách. Trong công tác quản lý, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, người dân thuộc khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; theo dõi và quản lý tốt các điểm di sản, đặc biệt là các điểm di sản có tính chất khác biệt cần phải giữ nguyên hiện trạng.

Đồng thời, tỉnh cần trao một số quyền cụ thể cho Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để trực tiếp xử lý dứt điểm các vi phạm có thể xảy ra; cho phép phân cấp quản lý các điểm di sản cho Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; xây dựng đội ngũ Ban quản lý, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có đủ năng lực chuyên môn, hiểu biết và khả năng quản lý các điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng...

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị đoàn chuyên gia UNESCO sớm xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết để khắc phục những hạn chế trong bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Ngoài ra, tỉnh mong muốn chuyên gia đề xuất các biện pháp để bảo vệ các điểm hóa thạch lộ thiên; cách hướng dẫn du khách tham quan có thể nhận biết, cảm nhận giá trị các điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục