Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số.
Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ảnh 1Công nhân thực hiện phân loại kích cỡ tôm trong các nhà máy chế biến thủy sản. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt từ 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 54-55 tỷ USD.

Bộ cũng phấn đấu tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%, tăng 5% so với kết quả đạt được của năm 2022. Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là trên 270 đơn vị.

Số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP là 9.500 sản phẩm. Tiêu chí số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm sẽ đạt trên 8%.

Tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%. Tổng số hợp tác xã nông nghiệp là 22.000 hợp tác xã; trong đó sẽ có 14.300 hợp tác xã xếp loại khá, tốt (đạt 65%).

[Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới trên 53 tỷ USD]

Triển khai kế hoạch đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Bộ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đây cũng là vấn đề đã từng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề cập tới nhiều lần, tại nhiều hội nghị, diễn đàn. Bộ trưởng cho rằng, cần có tư duy mới để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Lưu ý đến chất lượng giống cây trồng, kết hợp giữa hỗ trợ đầu vào với tạo đầu ra cho thị trường nông sản. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch để gia tăng giá trị nông sản. Quan tâm nâng cao chất lượng nông sản phục vụ thị trường nội địa, đảm bảo chất lượng, uy tín, từ đó tiến xa hơn thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, có giải pháp tạo dựng niềm tin cho người nông dân, nâng cao nhận thức để củng cố lại hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tạo ra giá trị kinh tế nông nghiệp mới hội tụ với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ xanh và du lịch.

Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường để đánh giá, đề xuất các đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung-cầu trên thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, đa dạng hóa và phát triển thị trường xuất khẩu. Các đơn vị nâng cao hiệu quả trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bộ cũng đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành năm 2023. Để phát triển thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn bền vững, Bộ sẽ chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường; gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện trường.

Cùng với đó là xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp.

Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định 84/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 06/2019/NĐ-CP trong quý 4/2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.