Chuyến tàu cuối rời cảng Odessa trước khi Thỏa thuận Ngũ cốc hết hạn

Tàu TQ Samsun treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ đã rời cảng Odessa trên Biển Đen ngày 16/7 trước khi sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hạn vào hôm sau; các quan chức Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Chuyến tàu cuối rời cảng Odessa trước khi Thỏa thuận Ngũ cốc hết hạn ảnh 1Tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 6/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 16/7, chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa trước khi thỏa thuận dự kiến hết hạn vào ngày 17/7.

Theo trang MarineTraffic.com, tàu TQ Samsun treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ đã rời cảng Odessa trên Biển Đen. Hiện các quan chức Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.

[Ukraine mất 500 triệu USD mỗi tháng nếu Thỏa thuận Ngũ cốc đổ vỡ]

Thỏa thuận đã ba lần được gia hạn và lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong hai tháng. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được giải quyết.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ hết hạn vào ngày 17/7.

Trước đó, ngày 13/7, Tổng thống Putin từng tuyên bố thỏa thuận này là "trò chơi một phía" và không có gì được thực hiện liên quan đến lợi ích của Nga. Ông xác nhận rằng Moskva có thể ngừng tham gia Thỏa thuận Ngũ cốc, nhưng để ngỏ khả năng tham gia trở lại nếu các cam kết với Nga được thực hiện.

Nga đã không cho phép bất kỳ tàu mới nào đăng ký theo thỏa thuận kể từ ngày 27/6 vừa qua.

Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn, nhưng cuộc xung đột giữa hai nước khiến mùa màng tổn thất, cảng biển bị phong tỏa đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu lúa mỳ của Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.