Trong số 73 nhân sự Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có 10 người là nữ.
Là những bông hồng của lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam, họ tạm gác vai trò người vợ, người mẹ để tham gia huấn luyện, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó.
Gác việc nhà, lo việc nước
Đối với thiếu tá Bùi Thị Xoa - điều dưỡng viên Bệnh viện dã chiến, việc trở thành một nữ chiến sỹ quân y “mũ nồi xanh" là cả một quá trình cân nhắc, đắn đo.
Chị kể lúc quyết định trở thành thành viên của Bệnh viện dã chiến, chị đắn đo rất nhiều bởi con trai chị đang tuổi dậy thì, rất cần có người chăm lo, định hướng. Tuy nhiên, nhận được lời động viên của ông xã, cũng là một sỹ quan quân đội, chị đã tham gia với tâm nguyện “là một người lính, phục vụ Tổ quốc, phục vụ quân đội luôn là nhiệm đặt lên hàng đầu."
Sinh năm 1975, chị Xoa là một trong những người đầu tiên tham gia và cũng là người lớn tuổi nhất trong số 10 nữ chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.
Đến bây giờ chị vẫn không quên được những ngày mới bước vào các kỳ huấn huyện cam go bởi nhiều yếu tố trở ngại. Hạn chế nhất của chị là ngoại ngữ, phát âm không chuẩn nên phải nỗ lực nhiều hơn người khác.
Do lớn tuổi và phải thi liên tục nên chị thường xuyên bị ám ảnh bởi tiếng Anh, đến khi ngủ chị cũng mơ thấy tiếng Anh, chị Xoa kể lại.
Trong hơn 1 năm đầu tiên tham gia Bệnh viện dã chiến, chị Xoa đi đi về về hơn 50km mỗi ngày từ nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai đến Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh.
Những khóa huấn luyện căng thẳng và liên tục khiến chị gần như không có thời gian cho gia đình. Mọi sinh hoạt gia đình gần như bị đảo lộn khi thiếu bàn tay chăm sóc của phụ nữ.
Sau này, để thuận lợi cho công tác huấn luyện, gia đình chị buộc phải chuyển nhà lên Thành phố Hồ Chí Minh.
"Những ngày mới chuyển nhà thật khó khăn, bởi con trai không hòa nhập được với môi trường học tập mới, tôi rất lo lắng, nhưng dần dần mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo và giờ tôi có thể yên tâm lên đường," thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết.
Còn với thượng úy Phạm Thị Thu Trang, điều dưỡng sản khoa Bệnh viện dã chiến, từ lúc tình nguyện trở thành người lính “mũ nồi xanh” cũng là lúc chị phải gửi con gái 9 tuổi về với ông bà ngoại ở Quảng Bình.
[Lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam sẵn sàng vươn ra biển lớn]
Chị tâm sự có những thời điểm huấn luyện khắc nghiệt, nhớ con đến không ngủ nổi nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua, bởi lẽ đó là nhiệm vụ. Rất may, con gái chị thương mẹ, hiểu chuyện, cháu ngoan ngoãn nghe lời. Đặc biệt, chị có “hậu phương lớn” là bố mẹ ủng hộ nên cũng yên tâm hơn nhiều, Thượng úy Phạm Thị Thu Trang cho hay.
Nói về các nữ chiến sỹ quân y tham gia Bệnh viện dã chiến, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ban đầu số nhân sự nữ của bệnh viện chỉ có 5 người, nhưng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cả Phái bộ Liên hợp quốc lẫn người dân bản địa - chủ yếu những người theo đạo Hồi nên Liên hợp quốc yêu cầu tăng thêm số nhân sự nữ trong cơ cấu Bệnh viện dã chiến.
Việc tìm nhân sự nữ tham gia Bệnh viện dã chiến rất khó khăn bởi đa số chị em vướng bận việc gia đình, cộng với thời tiết, kiều kiện làm việc khắc nghiệt ở châu Phi nên nhiều người e dè... Thậm chí trong quá trình huấn luyện cũng dần “rơi rụng” nhiều vị trí với những lý do sức khỏe, gia đình, sinh con… buộc Ban lãnh đạo phải liên tục bổ sung người mới.
"Trong số 10 nữ quân y hiện nay có 4 người đã có gia đình, con nhỏ, họ phải tạm gác lại việc nhà, tình riêng để lo việc nước, điều này là vô cùng trân trọng," Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Tự hào nữ quân y Việt Nam
Không vướng bận tình riêng nhưng với những “lính mới” như thiếu úy Phan Thị Vân Huyền - kỹ thuật viên Bệnh viện dã chiến, những tháng ngày huấn luyện cùng các bài tập tăng cường là khoảng thời gian khó khăn, thử thách.
Thiếu úy Phan Thị Vân Huyền cùng 2 đồng đội khác mới tình nguyện gia nhập Bệnh viện dã chiến hơn một năm nay. Ngoài những bài tập dành riêng cho người mới để có thể theo kịp các anh, chị đi trước, Vân Huyền còn phải tự nâng cao thể lực bằng cách chạy bộ, chơi thể thao ngoài giờ.
"Lần đầu tập bắn súng em run lắm, nhưng giờ thì đã quen và bắn rất cừ," thiếu úy Phan Thị Vân Huyền hồ hởi khoe.
"Không chỉ giỏi chuyên môn, thành thạo các kỹ năng quân sự, sinh tồn, các nữ chiến sỹ quân y của Bệnh viện dã chiến còn phải biết hát, múa các làn điệu dân ca truyền thống, biết nấu những món ăn thuần Việt... với trọng trách giới thiệu đến bạn bè thế giới về nét độc đáo trong văn hóa, ẩm thực của Việt Nam," Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm về nhiệm vụ đặc biệt của các "bông hồng đội mũ nồi xanh."
Chính vì thế, trong hành trang của các nữ chiến sỹ quân y Bệnh viện dã chiến mang đến Nam Sudan có thêm những chiếc áo dài hoa văn trống đồng, hoa sen, áo tứ thân, áo dài cô Ba Sài Gòn và điệu múa, bài hát mang âm hưởng dân gian, đậm chất Việt.
Ngoài ra, việc chế biến những món ăn “quốc hồn quốc túy” cũng được các chị tích cực tập luyện trước ngày lên đường. Khéo tay nhất với nhiều tài lẻ phải kể đến “chị cả” - thiếu tá Bùi Thị Xoa bởi chị có thể nấu được nhiều món ăn ngon đậm vị truyền thống Việt Nam. Còn Thượng úy Phạm Thị Thu Trang lại là một tay gói bánh chưng rất cừ.
“Chúng mình sẽ đón một cái Tết cổ truyền ở châu Phi, nên sang đó mình sẽ gói bánh chưng, vừa để anh chị em nguôi đi nỗi nhớ quê nhà vừa muốn giới thiệu đến bạn bè nét ẩm thực độc đáo của người Việt," chị Trang cho hay.
Thượng úy Bùi Thị Hoài Thu cho biết sẽ mang nguyên liệu sang châu Phi để đổ bánh xèo - một món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ, đơn giản, dễ làm nhưng cũng rất độc đáo.
Tự hào khi đứng trong hàng ngũ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thượng úy Phạm Thị Thu Trang cho hay dù biết nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước, nhưng đây là điều vô cùng ý nghĩa, là phần thưởng cho nỗ lực hơn 3 năm qua của chị và đồng đội.
Thượng úy Bùi Thị Hoài Thu cho rằng thời gian ở Nam Sudan sẽ là những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình.
"Mỗi lần thấy hình ảnh những người lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên ti vi hay Internet, em thấy rất ngưỡng mộ. Em thật vinh dự và tự hào khi được đội lên đầu chiếc mũ nồi xanh - biểu tượng của hòa bình và nóng lòng mong chờ đến ngày được giương cao lá cờ đỏ sao vàng ở Nam Sudan," thượng úy Bùi Thị Hoài Thu chia sẻ./.