Để kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nằm ngoài các khu vực phong tỏa, cách ly, ngày 31/7, chương trình “Chuyến xe nghĩa tình - Trao quà lưu động” đã được Hội Chữ thập Đỏ quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) khởi động.
Chương trình được chuyển đổi từ mô hình “ATM gạo” có hình thức hỗ trợ linh hoạt hơn để phù hợp với việc thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 - người dân hạn chế lưu thông và tuyệt đối không tập trung đông người.
Từ nguồn lực huy động được từ các nhà hảo tâm, mỗi ngày “Chuyến xe nghĩa tình” vận chuyển hàng trăm túi gạo (mỗi túi nặng 5kg) đến từng phường trên địa bàn quận Bình Tân, trao tặng tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đội tình nguyện viên “khẩn cấp”
Từ tỉnh lộ 10 rẽ vào đường Nguyễn Cửu Phú (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh), xe ôtô của “Đội tình nguyện viên Chữ thập Đỏ phòng, chống dịch bệnh COVID-19” kéo theo chiếc xe ba gác đầy ắp những túi gạo có căng dòng chữ “Chuyến xe nghĩa tình - Trao quà lưu động.”
Chúng tôi đi sâu vào con đường nhỏ đầy đá sỏi chạy dọc theo con kênh. Ven bờ kênh là những căn nhà gỗ chắp vá, từng mảng tôn xiêu vẹo được những bao cát to đè xuống, cứ như đang chực chờ rơi xuống. Đây là khu xóm trọ của những công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp gần đó.
[Lan tỏa nghĩa tình mùa dịch thông qua mô hình siêu thị 0 đồng]
Từ ngày dịch bùng phát nghiêm trọng tại thành phố, một số người đã trả phòng trọ, về quê tránh dịch. Nói là tránh dịch, chứ thật ra là thất nghiệp, họ không còn khả năng để trang trải tiền phòng, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Xóm trọ trở nên đìu hiu, chỉ còn một số ít công nhân bị kẹt lại hoặc cố nán lại với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Thế rồi, cả chủ nhà và người thuê phòng đùm bọc nhau, chăm sóc nhau qua ngày.
Cũng may, xóm trọ này vẫn còn là “vùng xanh.” Những ca nghi nhiễm đã được phát hiện sớm và đưa đi cách ly. Người dân vẫn luôn dặn dò nhau về ý thức chấp hành nghiêm Thông điệp 5K để phòng, chống dịch. Trong tình trạng khó khăn chung của thành phố, bà con lối xóm vẫn chia nhau từng lon gạo, gói mỳ, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
Là một trong những người đầu tiên tham gia “Đội tình nguyện viên Chữ thập Đỏ phòng, chống dịch bệnh COVID-19,” chị Nguyễn Thị Kim Hà, giáo viên Trường Tiểu học Bình Long, đã gắn bó với hoạt động hội qua rất nhiều nhiệm vụ, từ trực chốt, điểm phong tỏa, cách ly, tuyên truyền phòng, chống dịch đến tham gia Đội hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.
Nay chị phụ trách nhóm trao quà lưu động, chị đã vận động các giáo viên của trường cùng tham gia. Ngày ngày, chị có mặt tại các điểm phát quà, phun sát khuẩn, hướng dẫn người dân xếp hàng nhận quà nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho cả người nhận và nhóm tình nguyện viên.
“Dịch bệnh bùng phát, bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng nguồn thu nhập. Nhưng tôi biết còn rất nhiều những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tạm xa rời bục giảng, tôi lập tức tham gia Đội tình nguyện viên vì ý thức được rằng hơn lúc nào hết, xã hội cần chúng tôi, người dân cần chúng tôi - những nhịp cầu nối chia sẻ tình yêu thương của cộng đồng, để người nhận có thêm niềm vui được quan tâm, giúp đỡ, còn người cho sẽ thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn,” chị Hà chia sẻ.
Đội tình nguyện viên Chữ thập Đỏ phòng, chống dịch bệnh COVID-19” của chị Hà được thành lập với tinh thần “khẩn cấp” (ngày 20/6). Từ chỗ chỉ có 10 thành viên ban đầu, đến nay Đội có 55 thành viên chủ yếu là giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục và một số nhân viên văn phòng.
Đội thực hiện một số nhiệm vụ như: hỗ trợ công tác tổ chức tại các điểm xét nghiệm cộng đồng, điểm tiêm ngừa vaccine; hỗ trợ trực chốt tại phường An Lạc, các chốt kiểm soát dịch tại phường Tân Tạo A; hỗ trợ cán bộ y tế trực tại 7 điểm cách ly tập trung của quậntheo sự phân công của chính quyền địa phương.
Tinh thần nhân đạo - nguồn động lực mạnh mẽ
Khoác trên mình bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch, đeo tấm kính chống giọt bắn, giữa cái nóng oi bức, các bạn tình nguyện viên Chữ thập Đỏ thở hổn hển sau lớp khẩu trang kín mít.
Những bước chân nặng trĩu trên con đường đầy đá sỏi với những bao gạo, những túi thanh long được vác trên vai hoặc ôm ghì trong lồng ngực. Con hẻm nhỏ quá, chiếc xe ba gác không thể vào tận nơi. Đội tình nguyện viên đành phải khiêng vác hàng hóa vào nơi tập kết.
Dùng khuỷu tay quẹt nhanh lên trán để những giọt mồ hôi không chảy xuống mắt, cô giáo trẻ Lữ Thị Minh Trang, vừa tròn 23 tuổi, vẫn cười tươi tắn khi được hỏi: “Có sợ không?”
“Dạ, sợ thì cũng có sợ, nhưng càng sợ, tụi em càng động viên, nhắc nhở nhau cẩn thận hơn. Chứ nếu sợ rồi không làm thì ai sẽ làm,” Trang trả lời.
Từ vóc dáng nhỏ bé của Trang, của chị Hà tỏa ra ý chí kiên cường, tình yêu thương lớn lao đầy trách nhiệm đối với cộng đồng. Thế mới thấy tinh thần Chữ thập Đỏ, tinh thần nhân đạo sẽ là nguồn động lực khiến những chuyện không thể trở thành có thể.
“Khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã tập trung chăm lo an sinh xã hội tại các khu vực dân cư bị phong tỏa, cách ly tạm thời và hỗ trợ lực lượng cán bộ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân nằm ngoài khu vực phong tỏa cũng rất cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Tính đến ngày 06/8, Chuyến xe nghĩa tình đã trao tặng hơn 3.500 túi gạo, ngoài ra còn có nước tương, trái cây hoặc nông sản kèm theo. Tổng trị giá hơn 65 triệu đồng,” bà Bùi Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ quận Bình Tân, cho biết.
Nâng niu trên tay những trái thanh long chín đỏ, chị Trần Thị Mỹ Gấm, thợ may của một xưởng tư nhân tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cười nói: “Mấy tháng nay thất nghiệp, cuộc sống khó khăn quá. Nay được hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận nhà, tôi thật sự rất xúc động, nhất là khi nhìn thấy mấy bạn nhỏ khiêng vác gạo vất vả như vậy. Thương lắm, và cũng cảm ơn nhiều lắm.”
Tình cảm của người dân đôn hậu, chất phác là vậy, dù cho hay nhận cũng đều nhẹ nhàng và tự nhiên như những gì vốn có. Đôi khi lời cảm ơn đó chỉ là những nụ cười bị che khuất bởi những lớp khẩu trang, nhưng chúng tôi vẫn kịp cảm nhận được qua những ánh mắt ngời lên niềm tin và hy vọng.
Và đó cũng chính là nguồn động viên lớn lao để “Chuyến xe nghĩa tình - Trao quà lưu động” vẫn tiếp tục lăn bánh, để những chiếc áo Chữ thập Đỏ vẫn cần rạng rỡ từ các nẻo đường lớn đến từng con hẻm nhỏ - nơi cần lắm những yêu thương./.