CIEM đề xuất sớm hoàn thiện thể chế tham gia cuộc CMCN 4.0

Việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai luật còn chậm và thiếu các hướng dẫn đã dẫn đến những bất cập trong việc đưa chính sách vào đời sống.
CIEM đề xuất sớm hoàn thiện thể chế tham gia cuộc CMCN 4.0 ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Ngày 8/12, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tình hình triển khai và các giải pháp trong thời gian tới.” Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển khai chiến lược mà CIEM được giao là cơ quan đầu mối thực hiện (theo Quyết định số 183/QĐ-BKHĐT ngày 22/2/2021).

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội-CIEM, cho biết các bộ, ngành và địa phương đang đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi theo ông Hòa, bên cạnh những mặt đạt được thì việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai luật còn rất chậm và thiếu các hướng dẫn. Điều này dẫn đến những bất cập trong việc triển khai chính sách đi vào đời sống, đặc biệt là đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy, tận dụng tốt các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa các quan điểm của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW.

Về chính sách, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đồng thời đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn văn bản pháp luật.

Đối với đầu tư nguồn lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhóm nghiên cứu đề nghị các bộ, ngành và địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, hỗ trợ chuyển giao và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp.

“Cần ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước và có giải pháp cụ thể cho ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 2% tổng chi ngân sách,” ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, ông Hòa nhấn mạnh để phát triển nguồn nhân lực, các đơn vị cần tăng khả năng phối hợp, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực giữa nhà trường, các trung tâm đào tạo với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, tiến sỹ  Đào Đình Khả-Giám đốc Phòng nghiên cứu Fintech, Viện quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói riêng còn hạn chế về kỹ năng lập chiến lược kinh doanh truyền thống cũng như kinh doanh trên môi trường số, tối ưu quy trình nghiệp vụ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quản lý thay đổi và chấp nhận mạo hiểm để phát triển.

Trong khi đó, toàn cầu hóa kinh tế số mang lại sự tăng trưởng cho tất cả các phân đoạn của khu vực kinh tế công và tư nhân đồng thời cho phép hình thành một thị trường có thể tiếp cận toàn thế giới.

Vì vậy, trên bình diện chung, doanh nghiệp số dù ở quy mô nào cũng có thể mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường, cung cấp các dịch vụ qua biên giới đến khách hàng ở bất cứ quốc gia nào. Từ đó, việc xâm nhập vào thị trường mới trở nên hiệu quả hơn do dễ dàng vượt qua được các rào cản với chi phí thấp hơn so với các mô hình kinh doanh truyền thống.

“Thời gian tồn tại yên ổn của mỗi doanh nghiệp cũng đang ngắn lại, vì vậy cần sự chuẩn bị sẵn sàng cho xu thế cạnh tranh mới cũng nhu cầu mới từ khách hàng, những mô hình đáp ứng mới, yêu cầu về nhân tài và động lực toàn cầu mới… Điều này trở thành những yếu tố không thể tách rời của ‘điều bình thường mới.’ Do đó, các doanh nghiệp phải tìm ra cách giải quyết tất cả những thách thức bất ngờ đó trong khi vẫn đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình,” ông Khả nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.