Cơ bản đã khống chế được các dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này đã cơ bản khống chế được các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Cơ bản đã khống chế được các dịch bệnh gia súc, gia cầm ảnh 1Cán bộ thú y phun khử trùng cho nhà dân khu vực xung quanh ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này đã cơ bản khống chế được các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Cả nước hiện không còn ổ dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng nào. Tuy nhiên Cục Thú y cũng đưa ra cảnh báo, các dịch bệnh trên có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu lơ là trong phòng, chống dịch. Đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại nước láng giềng Trung Quốc, do đó nguy cơ xâm nhiễm sang Việt Nam là rất cao.

Do đó, Cục Thú y đã tăng cường hệ thống giám sát, cảnh báo sớm và ứng phó các trường hợp khi có dịch xảy ra. Năng lực của tám phòng thí nghiệm chủ lực của Cục Thú y đã được tập huấn, cung cấp đủ nguyên vật liệu và có đủ kỹ năng và được chỉ định xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cục Thú y cho biết hiện Trung Quốc đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh; trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán lợn sống, không cho phép vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh; đồng thời thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3km và vùng bảo hộ là 10km; Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con lợn (không phân biệt lợn to nhỏ).

[Công bố Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến]

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23.000 địa điểm, bao gồm cả việc chủ động lấy mẫu của lợn chết, lợn bệnh. Kết quả, các cơ quan của Trung Quốc đã phát hiện được 120 mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.

Tính từ cuối năm 2017 đến ngày 15/9/2018, đã có 19 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn bệnh là 309.452 con, số lợn chết vì bệnh là 100.139 con, tổng đàn lợn có nguy cơ, đã buộc phải tiêu hủy là 704.588 con.

Tại Trung Quốc, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tính từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 14/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 20 ổ dịch xuất hiện tại sáu tỉnh (bao gồm An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang). Tổng cộng đã có hơn 50.000 con lợn các loại đã buộc phải tiêu hủy.

Cục Thú y đang phối hợp với FAO để tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, cảnh báo nguy cơ và xây dựng kế hoạch ứng phó nếu phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Cục Thú y thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đối với Cúm gia cầm, tai xanh và lở mồm long móng, Cục Thú y cũng đưa ra cảnh báo bùng phát dịch bệnh ở mức cao. Do đó, các địa phương cần chủ động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, gia súc, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục