Đến chiều 18/5, các lực lượng chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản vớt hết số cá chết và xử lý tình trạng ô nhiêm trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dọc tuyến từ quận 1 đến quận Tân Bình.
Cụ thể, các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị, Ủy ban Nhân dân các quận liên quan đã huy động hơn 250 người và hàng chục phương tiện gồm tàu vớt rác, canô, sàlan, xe cẩu, xe ép rác... để tập trung vớt hết cá chết, làm sạch môi trường trong ngày 18/5.
Theo ước tính, số cá vớt được là hơn 70 tấn. Số cá chết này được vận chuyển và tổ chức tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường và tuyệt đối không sử dụng cá chết vào mục đích khác.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Chi Cục chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 18/5 đã thả hơn 30 tấn chế phẩm sinh học zeolite và bột oxygen xuống kênh để cải tạo nguồn nước.
Trong những ngày tới, nếu tiếp tục có mưa lớn thì sẽ thả thêm khoảng 20-30 tấn chế phẩm sinh học zeolite.
Đến chiều 18/5, môi trường nước ở dọc tuyến kênh này đã trở lại bình thường, không còn hiện tượng cá chết.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình tiếp tục kiểm tra đoạn kênh trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân không thả cá phóng sinh trong thời điểm hiện nay, không vớt cá chết để sử dụng vào mục đích khác, không xả rác, nước thải trực tiếp xuống kênh.
Về lâu dài, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, sớm đưa nhà máy vào hoạt động nhằm giải quyết căn cơ công tác xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường kênh rạch trên địa bàn.
Trước đó, vào ngày 17/5, sau cơn mưa, trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã xuất hiện hiện tượng cá chết hàng hoạt, nổi lên mặt nước gây mất vệ sinh môi trường. Nguyên nhân được xác định do nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ, nồng độ pH và nhiệt độ nước cao làm cá chết số lượng lớn./.