Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định phát triển du lịch đường thủy là một trong những chiến lược quan trọng của ngành du lịch thành phố.
Phát triển sản phẩm du lịch trên dòng kênh nội đô là một trong những giải pháp, sản phẩm mới nhằm góp phần phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa, mang lại một ấn tượng mới cho du khách khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.
Dòng kênh “đen” thành điểm du lịch xanh
Cách đây hơn 20 năm về trước, hình ảnh dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè tại Thành phố Hồ Chí Minh là một nỗi ám ảnh của người dân thành phố. Dọc hai bên bờ kênh là hàng ngàn ngôi nhà mái lá, tôn lụp xụp, tồi tàn, được đặt tạm bợ trên dòng nước bị ô nhiễm nặng.
Trong khoảng thời gian đó, người dân sống quanh khu vực này đa số dân trí thấp thường xuyên xảy ra các tệ nạn xã hội gây mất trật tự công cộng.
Nhớ lại hình ảnh trước kia về một dòng kênh đen, bà Phạm Thị Hằng, ngụ tại chung cư Hưng Yên, đường Điện Biên Phủ, cho biết, có nhiều thế hệ chen chúc nhau sống và sinh hoạt ngay tại dòng kênh. Từ hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt mà rất nhiều những tệ nạn xã hội đã xảy ra tại nơi đây.
Quyết tâm thay đổi diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1994, Ủy ban nhân dân thành phố đã thực hiện cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Hàng ngàn căn hộ ven kênh đã được giải tỏa.
Tuyến cống bao dài 9km, đường kính gần 3m đã được xây dựng, với nhiều công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn phân bố dọc bờ kênh. Một trạm bơm có thiết bị lược rác với công suất 64.000m3/giờ cũng hoàn thành…
Sau gần 20 năm thi công, tháng 8/2012, dự án được khánh thành trong niềm vui của hàng triệu người dân thành phố. Diện mạo hai bên bờ kênh giờ đây là những tán cây xanh mát, ngôi nhà thông thoáng, thiết bị tập thể dục văn minh.
Không chỉ dừng lại ở việc cải tạo và thay đổi, diện mạo của tuyến kênh được đánh giá là có một không hai của cả nước.
Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu và chuẩn bị, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án du lịch đường thủy nội đô và giao cho Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải và Công ty Thuyền Sài Gòn triển khai thực hiện tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đầu tiên tại Việt Nam.
Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tập trung phát triển du lịch đường thủy nội đô của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua nhằm mang đến một sản phẩm du lịch mới xanh và đẹp ngay giữa lòng thành phố năng động, nhộn nhịp.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm mới để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hiện ngành du lịch thành phố đang quan tâm và tâm đắc sản phẩm phát triển du lịch đường sông, vận động các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động tích cực.
Đặc biệt, mô hình đường thủy nội đô này là sản phẩm đầu tiên được xã hội hóa, huy động các thành phần trong xã hội cùng chung tay với thành phố thực hiện. Người dân nội đô và du khách sẽ có điều kiện thưởng ngoạn cảnh đẹp của thành phố theo một góc nhìn hoàn toàn mới, đặc trưng riêng của thành phố Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy nội đô
Là đơn vị ấp ủ ý tưởng và trực tiếp triển khai thực hiện sản phẩm du lịch đường thủy nội đô, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuyền Sài Gòn, cho biết sản phẩm du lịch đường thủy nội đô được đầu tư với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Sẽ có hai sản phẩm cao cấp và sản phẩm số đông phục vụ du khách. Tuyến đường thủy này chạy theo lộ trình dài 4,5km qua các địa bàn quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận.
Với thời gian 90 phút, ngay giữa dòng kênh, du khách sẽ nhìn ngắm được nhiều di tích nổi tiếng của thành phố như cầu Bùi Hữu Nghĩa (cầu Sắt, cầu Đa Kao), Chùa Candaransi - một trong hai ngôi chùa của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh… Ngoài ra, du khách trên thuyền còn được phục vụ thức uống và thưởng thức giai điệu dân tộc.
Nhận xét về tuyến đường thủy nội đô đầu tiên của thành phố, cô Hoàng Tuyết Mai, ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, chia sẻ thật sự rất vui và thích thú khi thành phố khai thác tuyến dòng kênh này để giới thiệu nét đẹp, độc đáo của thành phố đến với không chỉ người dân thành phố mà còn bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, với hơn 1 giờ đồng hồ trải nghiệm, cần có những hoạt động đờn ca hấp dẫn hoặc trạm dừng để tham quan thắng cảnh… sẽ khiến du khách có những trải nghiệm sâu sắc hơn.
Theo ông Phan Xuân Anh, sản phẩm mới ra mắt được đông đảo người dân hưởng ứng nhưng hiện số lượng các đoàn công ty du lịch đăng ký đi tour còn khá ít.
Công ty sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu tour mới này đến với nhiều kênh du lịch hơn nữa nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất đang có, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch mới này một cách chuyên nghiệp hơn.
Để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham quan tuyến đường thủy nội đô này, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 cho biết Ủy ban nhân dân phường Đa Kao, quận 1 sẽ tăng cường quản lý trật tự, thường xuyên phối hợp với Công ty Thuyền Sài Gòn để đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, đội quản lý trật tự đô thị quận 1 cũng phối hợp với cảnh sát giao thông và công an quận đảm bảo an toàn cho du khách.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội đô trong thời gian sắp tới, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch cơ sở hạ tầng các bến neo đậu tàu thuyền phục vụ cho du lịch đường thủy.
Hiện thành phố đã có kế hoạch xây dựng thêm 5 điểm nhà chờ, bến đỗ mới trong năm 2015 và sẽ triển khai phát triển thêm tuyến đường thủy du lịch đoạn từ Cầu Mống đến kênh Tàu Hủ dọc theo đại lộ Đông Tây đi qua các quận 1, 4, 8, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2016.
Để góp phần quảng bá cho tuyến du lịch đường thủy nội đô trên địa bàn, tại Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE) diễn ra từ 10 đến 13/9, Sở Du lịch thành phố sẽ cùng với các lữ hành và báo chí quốc tế khảo sát tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thế mạnh của du lịch Thành phố đến với bạn bè thế giới./.