Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trên thực tế nhu cầu sử dụng điện trong 6 tháng đầu năm nay có thể nhận thấy các tỉnh miền Nam đang có sự dịch chuyển về cơ cấu sử dụng điện khá rõ nét.
Đó là tỷ trọng điện dùng trong công nghiệp và xây dựng giảm từ 61,82% xuống còn 59,29%. Đồng thời, tỷ trọng điện dùng trong nông lâm thủy sản lại tăng từ 3,22% lên 5,37%.
Bên cạnh đó, các thành phần điện dùng trong Thương nghiệp khách sạn, Quản lý tiêu dùng dân cư... cũng có sự tăng nhẹ trong biên độ từ 0,03-0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc dịch chuyển cơ cấu sử dụng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành miền Nam (trừ Thành phố Hồ Chí Minh) như trên, Tổng Công ty Điện lực miền Nam dự báo sản lượng điện thương phẩm toàn Tổng Công ty trong thời gian tới sẽ giảm dần. Nguyên do giá trị tuyệt đối của tỷ trọng điện sử dụng trong công nghiệp và xây dựng giảm 2,53%, tương đương giảm khoảng 400 triệu kWh, trong khi đó giá trị tuyệt đối tỷ trọng điện sử dụng trong nông lâm thủy sản tuy tăng 2,15% nhưng chỉ tương đương 30 triệu kWh.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điện thương phẩm toàn Tổng công ty đạt hơn 26,7 tỷ kWh, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 48,86% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Trong đó, thành phần điện Công nghiệp-xây dựng chỉ có tốc độ tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ.
Riêng ba Công ty điện lực có tốc độ tăng cao là Tây Ninh tăng 22,4%, Hậu Giang tăng 21,2% và Long An tăng 18,5%.
Thành phần điện dùng trong nông lâm thủy sản tăng cao tập trung vào các tỉnh như Bình Thuận, Bình Phước, Hậu Giang… do khách hàng tăng cường tưới tiêu, chong đèn thanh long và nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVNSPC, cho biết trong tháng cao điểm mùa khô (tháng Sáu), công suất cực đại toàn Tổng Công ty tăng cao, tuy nhiên tăng cao nhất chủ yếu tập trung tại địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An. Phụ tải điện (nơi tiêu thụ điện) tăng cao về giá trị tuyệt đối chủ yếu ở hai thành phần tiêu dùng dân cư và công nghiệp xây dựng.
Riêng thành phần nông lâm thủy sản có tỷ lệ phần trăm tăng cao nhưng xét về giá trị tuyệt đối lại tăng không nhiều.
EVNSPC còn cho biết nguồn điện chính c ấp cho phụ tải của 21 tỉnh, thành miền Nam hiện nay từ 2 nguồn chính: từ các nhà máy điện khu vực phía Nam và từ đường dây truyền tải 500kV Bắc Nam.
Tuy nhiên, nguồn điện và các nhà máy điện này lại tập trung nhiều ở khu vực miền Đông.
Phụ tải khu vực miền Tây được cấp bởi một số nhà máy điện như Ô Môn, Cà Mau và nhiệt điện Duyên Hải nên yêu cầu liên kết lưới điện truyền tải khu vực miền Tây và miền Đông phải an toàn để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Tây.
Hơn nữa, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino kéo dài từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện.
Cùng với đó, thời tiết nóng khiến công suất tăng đột biến ở tất cả các đơn vị trên địa bàn EVNSPC dẫn đến đường dây truyền tải 500kV phải vận hành rất căng thẳng.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, mặc dù trong thời gian qua, lưới điện truyền tải miền Nam đã được đầu tư cải tạo với khối lượng nhiều. Tuy nhiên do các công trình hoàn thành chậm tiến độ trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng nên trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng nhiều đường dây và máy biến áp vận hành đầy tải. Tập trung ở các khu vực như: Long Bình, Tháp Chàm, Long Thành, Long An, Mỏ Cày, Bến Tre, Trà Nóc…
Các khu vực hiện nay cần thiết phải đáp ứng nguồn điện để đảm bảo cung cấp điện gồm: Cấp điện cho phụ tải thanh long ở tỉnh Bình Thuận liên quan đến trạm 220kV Hàm Tân; cấp điện phụ tải công nghiệp khu vực Long Thành, Bà Rịa liên quan đến trạm 220kV Mỹ Xuân; phụ tải công nghiệp khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An liên quan đến trạm 220kV Đức Hòa, phụ tải công nghiệp khu vực Bình Dương, Tây Ninh; phụ tải mùa vụ khu vực miền Tây liên quan đến các trạm 220kV cần nâng công suất.
Trong quý III này, dự báo công suất điện nhận của Tổng Công ty giảm so với cao điểm mùa khô 2016, lớn nhất chỉ là 8.450MW, tuy nhiên phụ tải tại các Công ty Điện lực chiếm tỷ trọng cao vẫn duy trì ở mức cao như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và một số đơn vị có phụ tải mùa vụ như thanh long ở Bình Thuận; xay sát, chế biến thực phẩm ở khu vực miền Tây (An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Kiên Giang…).
Trước những khó khăn về nguồn điện, ảnh hưởng thời tiết, hiện trạng lưới điện truyền tải và lưới điện 110kV, EVNSPC đang yêu cầu các Công ty Điện lực đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt.
Đồng thời, nhanh chóng đề ra các giải pháp đối với trường hợp mang tính đột biến cũng như giải quyết các vướng mắc phát sinh mới trong quá trình thực hiện kế hoạch cung cấp điện.
Cùng với việc tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện tại địa phương, các Công ty Điện lực xây dựng hợp lý phương thức vận hành tránh đầy tải, quá tải lưới điện.
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình phụ tải để điều chỉnh thời điểm cần đưa các công trình lưới điện mới, các công trình chống quá tải vào vận hành kịp thời, đảm bảo cấp điện cho các phụ tải.
Các Công ty Điện lực cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra lưới điện để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo cung cấp điện cho cả mùa khô và cả năm 2016 trên địa bàn 21 tỉnh, thành miền Nam./.