Cả nước đang có khoảng gần 200.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc thay thế bởi các gia đình, các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Thế nhưng việc giám sát quá trình chăm sóc thay thế hiện nay vẫn còn đang “bỏ ngỏ” và cần được bổ sung vào Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em sửa đổi để bảo vệ tốt hơn nữa các quyền của trẻ em.
Đây là nhận định được đưa ra tại “Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tăng cường hành lang pháp lý về mô hình gia đình nhận nuôi trẻ em có hàn cảnh đặc biệt” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức Care for children (Vương quốc Anh) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức trong hai ngày 27-28/2.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng việc chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần nếu được chăm sóc thay thế bởi gia đình khác.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, hiện nay, cả nước có khoảng trên 40.000 trẻ em được nhận trợ cấp xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng, khoảng 170.000 trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22.000 trẻ được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung. Mỗi năm, có từ 5.000-6.000 trẻ em được nhận nuôi cả trong nước và quốc tế.
Đánh giá về các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam, bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF cho rằng việc chăm sóc thay thế hiện nay ở Việt Nam vẫn còn một số khó khăn do pháp luật về chăm sóc thay thế chưa cụ thể. Các quy định về quy trình nhận nuôi, điều kiện để trẻ tiếp nhận hình thức chăm sóc thay thế tại gia đình còn thiếu.
“Đặc biệt, việc giám sát quá trình chăm sóc thay thế còn ‘bỏ ngỏ’ do còn thiếu đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ, giám sát và đánh giá việc chăm sóc thay thế để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm quyền trẻ em được nhận nuôi,” bà Lê Hồng Loan nói.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận, việc xây dựng đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ sẽ góp phần khắc phục những hạn chế hiện nay.
“Việt Nam cũng đang hoàn thiện khung pháp lý, tiến tới bổ sung các quy định về chăm sóc thay thế trong Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em sửa đổi sắp tới,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết./.