“Cô gái vàng” của làng xiếc Việt: Nghỉ xiếc người sẽ chuyển sang xiếc thú

Với Lô Thị Ngọc Thúy, xiếc không chỉ là một nghề, mà từ lâu đã là đam mê để được theo đuổi và được khán giả yêu quý, là thứ "gia vị" giúp cuộc sống cô thêm phần thú vị.

Những ngày này, Rạp xiếc Trung ương liên tục diễn một chương trình đặc biệt, có tên “Hà Nội trong trái tim tôi.” Khán đài lấp đầy hơn 60%, không chỉ là các gia đình đưa con nhỏ đi xem mà còn có cả các thanh thiếu niên trẻ.

Nhiều tiết mục đều đã chinh chiến ở nước ngoài và được mang về trình diễn cho khán giả Việt Nam. Trong số này có Nhào lộn trên sào và Đu nón 4 nữ, hai tiết mục đã lần lượt mang về một giải vàng và một giải bạc liên hoan xiếc quốc tế. Điều đặc biệt hơn nữa là cả hai đều có sự góp mặt của “cô gái vàng” người Nùng ở Lạng Sơn - Nghệ sỹ Ưu tú Lô Thị Ngọc Thúy.

Nỗ lực 150%

Nhào lộn trên sào (Russian bar) vừa là “thương hiệu” của Ngọc Thúy, vừa là phần thi đã mang về một giải Vàng cho cô tại Liên hoan Xiếc Quốc tế năm 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, tổ chức tại Quảng Ninh. Đây là thành công đáng ghi nhận của nước chủ nhà trước các quốc gia khác như Australia, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Hungari, Lào, Singapore.

Nhào lộn trên sào đòi hỏi sự tập trung và chính xác cao độ của cả người nhảy và những người đỡ sào. Tuy nhiên, mức độ khó khăn và nguy hiểm nhất chính là nằm ở người lộn nhào, đặc biệt khi phải ôm gối lộn 2-3 vòng trên không, vừa chuẩn kỹ thuật, vừa đẹp mắt như Thúy và bạn cùng diễn.

Video Lô Thị Ngọc Thúy nhào lộn 2 vòng trên không (phút 5:30)

“Phải làm sao để khi lên không, cơ thể mình thẳng căng ra, rồi khi rơi xuống lại mềm mại nhẹ như một chiếc lá,” Ngọc Thúy chia sẻ về góc độ kiểm soát hình thể.

Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Văn Hùng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) nhận định đến nay, nhào lộn trên sào vẫn là một trong những động tác khó nhất của xiếc thế giới. 15 năm trước, ông là người đã chọn ra Ngọc Thúy từ khóa 2004-2009 của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam để huấn luyện tiết mục này.

Cô gái Lạng Sơn khi đó 15 tuổi, tạo ra ấn tượng ban đầu nhờ vẻ ngoài xinh xắn và vóc dáng nhỏ gọn, phù hợp để làm một người trình diễn về nhào lộn cũng như một nhân vật trung tâm. Nhưng xiếc luôn yêu cầu sự khổ luyện và nghiêm túc cao độ. Ở Ngọc Thúy, Nghệ sỹ Đỗ Văn Hùng ghi nhận là “luôn nỗ lực đến 150%, luôn tuân thủ những kỹ năng đã được huấn luyện và dư thừa những gì tôi mong muốn,” hay như chính nữ diễn viên tự nhận xét là “cả thanh xuân của mình đã dành cho nhào sào.”

Năm 2019 khép lại đầy thành công sau khi Ngọc Thúy giành thêm một giải Vàng Liên hoan Xiếc Quốc tế ở Hà Nội, chỉ một tháng sau sự kiện ở Quảng Ninh.

Cùng với những sự cố gắng ấy, tháng 4/2024 vừa qua, Ngọc Thúy cùng 3 bạn diễn nữ đã thực hiện xuất sắc tiết mục Đu nón 4 nữ, mang về một giải Bạc tại Liên hoan Xiếc Quốc tế IDOL được tổ chức ở Liên bang Nga.

Để thực hiện tiết mục này, các cô gái Việt Nam kết thành một “sợi dây” bằng người. Mỗi người một thử thách: Người trên cao nhất dùng từ cổ tay chịu sức nặng 3 người ở dưới, những người khác phải cân bằng cả cơ thể, có người chịu lực bằng búi tóc và với Ngọc Thúy thì chịu lực bằng răng.

Dù phiên bản Nhào lộn trên sào và Đu nón 4 nữ tại “Hà Nội trong trái tim tôi” là phiên bản đã được rút gọn và đơn giản hóa so với phần thi quốc tế, song vẫn để lại ấn tượng cho người xem. “Đã lâu tôi không xem xiếc vì nghĩ nó chỉ thuộc về tuổi thơ, nhưng khi trưởng thành thì xiếc đem cho tôi cảm giác khác, rất khâm phục những người nghệ sỹ vừa khỏe mạnh mà vẫn vừa mềm dẻo và duyên dáng đến vậy,” một nhóm khán giả 24 tuổi chia sẻ.

Buổi diễn 16 giờ 30 phút chiều 19/9, tỷ lệ lấp rạp là trên 60%. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Nghỉ xiếc người, mình sẽ chuyển sang xiếc thú”

Lô Thị Ngọc Thúy sinh năm 1993. Từ nhỏ cô đã nghịch ngợm, hay leo chèo và linh hoạt với những hoạt động thiên về thể chất. Cùng với khuynh hướng yêu thích biểu diễn nghệ thuật, cô đã trúng tuyển vào Trường Xiếc Việt Nam và bắt đầu hành trình rèn luyện ở Hà Nội từ năm 11 tuổi.

Bố mẹ Ngọc Thúy làm nông, thấy con có cơ hội học tập tại Thủ đô nên đồng ý cho theo nghề. Cô con thứ hai trong nhà (Thúy có một chị gái) nhưng đã sớm chứng tỏ bản lĩnh. Học ở thành phố nhớ nhà nên từ năm 12 tuổi, cô thường chủ động đi xe khách về thăm bố mẹ.

Ra trường, khóa diễn viên xiếc của cô gái Nùng “rơi rụng” một nửa vì chuyển nghề. Số còn lại Nam tiến. Ngọc Thúy cũng tính vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhưng cha mẹ phải ở quá xa con nên cô chọn bám trụ lại Thủ đô, nhờ thế mà may mắn được thầy Đỗ Văn Hùng chọn để đầu quân cho tiết mục nhào sào, đầu quân cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Lô Thị Ngọc Thúy cùng người thầy - Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Văn Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Cô gái kể số lần phụ huynh chứng kiến mình biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay vì hồi hộp, lo lắng cho con mà không dám xem. Biết con gái đi thi đấu trong và ngoài nước, bố mẹ Ngọc Thúy luôn ngóng theo từ xa. Cô luôn tự hào được học tính bền bỉ của bố - “đã làm gì, con hãy làm đến cùng.”

Mới bước sang tuổi 31 nhưng ngoảnh lại đã thấm thoát 20 năm Ngọc Thúy dấn thân vào xiếc. Thu nhập trong nghề chỉ khoảng 10 triệu/tháng nhưng không thể phủ nhận bộ môn này vừa là nguyên liệu, vừa là gia vị không thể thiếu trong đời cô.

Ngoài những giờ luyện tập trong tuần và 4 buổi diễn vào cuối tuần thì Ngọc Thúy còn mở lớp dạy yoga, pilates để có thêm nguồn trang trải cuộc sống. Xen kẽ các giờ sáng sớm, trưa và chiều tối sau giờ làm việc văn phòng, cô có lớp hầu như mọi ngày trong tuần.

Động tác bật cầu của Ngọc Thúy, chương trình "Hà Nội trong trái tim tôi." (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Diễn viên xiếc có tuổi đời nhất định. Thông thường với nữ trên 30 tuổi đã bắt đầu chững lại và khó có thể học thêm các tiết mục mới. Dù công việc “tay trái” cho cô một nguồn thu nhập tốt hơn nhưng công việc "tay phải” mới là thứ cho cô niềm vui của một người nghệ sĩ.

“Nghỉ xiếc người thì mình sẽ chuyển sang huấn luyện xiếc thú," Ngọc Thúy trả lời rất nhanh khi được hỏi về dự định tương lai. "Cảm xúc người nghệ sỹ đã ngấm vào mình, sự cổ vũ của khán giả tuyệt vời và thăng hoa lắm! Sau này không làm được tiết mục cao trào nữa thì mình làm đơn giản thôi, chứ mình sẽ không bỏ.”

Nhiều tháng trở lại đây, Rạp xiếc Trung ương chứng kiến lượng khán giả tăng dần trên các khán đài. Không chỉ thu gọn là xiếc cho thiếu nhi hay các hợp đồng diễn cho trường học, các chương trình nhân kỷ niệm Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước (30/4-1/5), Chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5) Quốc khánh (2/9), Giải phóng Thủ đô (10/10)... hướng đến khán giả là người cao tuổi và thanh niên cũng tăng dần. Là một diễn viên dấn thân như Ngọc Thúy, không có gì mừng hơn là thấy những cống hiến của mình được tiếp thêm sức sống mới trong lòng người Việt Nam.

Lô Thị Ngọc Thúy được trao danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú và Thanh niên Tiên tiến làm theo lời Bác vào năm 2023. Ngoài hai giải vàng và bạc năm 2019, cô còn đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2021.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục