Cố gắng sớm điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995

Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đang rốt ráo chuẩn bị và dự kiến tháng 12 tới, Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh lương hưu với các nhóm đối tượng này.
Cố gắng sớm điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc đại dịch COVID-19 khiến một số trẻ em, đặc biệt là nhiều trẻ em ở khu vực phía Nam, thành trẻ mồ côi và trở thành gánh nặng lớn, tạo áp lực lớn lên hệ thống Bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi; tại Việt Nam cho đến nay có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó 81 mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trước thực tế đó, Bộ đã chủ động ban hành chính sách liên quan đến trẻ em và đối tượng bảo trợ nói chung; trong đó thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP bằng Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về việc đối tượng bảo trợ trẻ em và các chính sách trẻ mồ côi được thụ hưởng.

Về chế độ bảo trợ đối với trẻ em, Bộ trưởng cho biết trước khi ban hành chính sách đã tham khảo mức hỗ trợ chung chăm sóc trẻ em mồ côi so với thế giới thấy vào khoảng 1,1-1,8 triệu đồng. Tại Việt Nam, những trẻ mồ côi có người thân chăm sóc, mức hỗ trợ đạt 1,8 triệu đồng. Ngoài ra, tất cả những trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 lần này, nhiều mạnh thường quân đã cùng chung tay để lo cho trẻ em.

"Phương châm của chúng tôi là vận động mọi cháu đều có mái ấm gia đình, có người thân đỡ đầu," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho biết thêm, đến nay cả 81 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đều đang sống với người thân, gia đình. Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải quyết chính sách đối với người cao tuổi, đề nghị tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa trước, Quốc hội đã bàn vấn đề này và có nghị quyết cụ thể.

[Bộ Lao động đề xuất tăng 11% tiền lương hưu, trợ cấp từ năm 2022]

Khẳng định "tôi không quên lời hứa này," Bộ trưởng cho biết: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang rốt ráo chuẩn bị và dự kiến tháng 12 tới, Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh lương hưu với các nhóm đối tượng này.

"Chúng tôi đã đề nghị cho điều chỉnh sớm hơn, ngay từ 1/1/2022 với mức điều chỉnh 7,4%. Tổng kinh phí để điều chỉnh lương hưu sẽ khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu chưa đạt 2,5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đang cố gắng để ban hành sớm chính sách," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Trước chất vất của đại biểu Quốc hội về công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn nhiều bất cập, chưa thu hút được tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian vừa qua, các cơ sở bảo trợ xã hội của Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Hầu hết các cơ sở ở các địa phương đều có bốn loại hình cơ sở bảo trợ đó là: cơ sở chăm lo cho người có công; cơ sở chăm lo cho người nghiện ma túy; cơ sở cho người bị tâm thần; cơ sở cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phần đông số này dựa vào các cơ sở công lập. Các cơ sở tư nhân gần đây có phát triển các loại hình cơ bản như cơ sở bảo trợ do các tổ chức xã hội và tư nhân, các tổ chức tôn giáo đứng ra thành lập. Gần đây, một số mạnh thường quân, các doanh nghiệp lớn tổ chức xây dựng một số cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già, người neo đơn. Cá biệt có những cơ sở đã thu hút tới hàng ngàn người cao tuổi; nuôi những đối tượng này đến khi họ qua đời.

Cho biết hiện chưa có chính sách đủ mạnh, đủ sức thu hút đối với cơ sở tư nhân tham gia vào các cơ sở bảo trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn ra ví dụ, có chính sách quy định đất đai được miễn thuế, giảm thuế. Song "chính sách quy định như thế nhưng xuống địa phương không có được."

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ ý kiến của một doanh nghiệp Nhật Bản về việc "mất 4 tháng về một địa phương để xin một miếng đất làm cơ sở để nuôi dưỡng người già nhưng không được và cuối cùng phải đi tới tỉnh khác xa hơn nhưng may mắn được chấp nhận." Do đó, theo Bộ trưởng, năm 2022-2023, việc đầu tiên là phải xây dựng chính sách để thu hút tư nhân. Muốn có nhiều cơ sở tư nhân, phải thu hút bằng chính sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục