Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, những lao động Việt Nam đầu tiên đến Hàn Quốc theo quy chế nới lỏng mà chính phủ Hàn Quốc ban hành đầu tháng 11 đã hoàn thành các thủ tục cách ly và được đưa về làm việc tại các doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Chương trình Hàn Quốc cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), số lao động Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc đang tăng lên trong tháng 11 và dự kiến đến hết tháng sẽ đón được 183 người.
Hàn Quốc bãi bỏ quy định hạn chế số lượng nhập cảnh theo tuần và theo ngày nhằm thích ứng với kế hoạch "Sống chung an toàn với COVID-19" mà chính phủ nước này đang triển khai. Người lao động nước ngoài từ tất cả các nước sẽ được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc nếu có xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trong nước và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Theo bà Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban quản lý Lao động tại Hàn Quốc, theo quy định mới, người lao động khi nhập cảnh Hàn Quốc chỉ phải cách ly 10 ngày thay vì 14 ngày.
Đối với lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ở trong nước, sẽ được cách ly 2 người/phòng thay vì 1 người/phòng như trước đây. Những lao động chưa tiêm chủng sẽ được bố trí tiêm phòng COVID-19 sớm ngay sau khi hoàn thành cách ly.
Những quy định mới của Hàn Quốc giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quôc đang thiếu hụt lao động do các biện pháp hạn chế nhằm chống lây lan dịch COVID-19 của chính phủ.
[Xuất khẩu lao động: "Cánh cửa" bị đóng kín bởi COVID-19 đã dần mở]
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Seoul, bà Hyun Hey Yong - chủ doanh nghiệp phụ tùng ô tô JI Korea cho biết doanh nghiệp của bà đang sử dụng 5 lao động Việt Nam. Doanh nghiệp bắt đầu tuyển lao động Việt Nam từ năm 2015 và có lao động đã về nước rồi được tuyển dụng lại do làm việc rất tốt.
Theo giám đốc Hyun Hey Yong, doanh nghiệp đã bố trí cho lao động Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ nên trong thời gian dịch bệnh vẫn đảm bảo nhân lực.
Còn Giám đốc doanh nghiệp Haesung Metal cho biết họ đang chờ đợi để được bổ sung thêm lao động. Do dịch bệnh nên lao động nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc, khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Doanh nghiệp này đánh giá lao động Việt Nam chăm chỉ và rất tuân thủ các quy định, đặc biệt là yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Quy định hạn chế nhập cảnh cũng như cách ly sau đó đã khiến số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc giảm mạnh từ mức trung bình 50.000 người/năm trước đại dịch xuống dưới 7.000 người vào năm 2020.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Do yêu cầu thực tiễn, năm 2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã quyết định thành lập Văn phòng EPS tại Hàn Quốc hỗ trợ tốt hơn cho người lao động.
Trong thời gian qua, Văn phòng đã tổ chức các buổi gặp mặt, tư vấn trực tiếp cho hàng nghìn lượt lao động vào các ngày cuối tuần; tư vấn qua điện thoại bình quân mỗi tuần từ 100-150 cuộc; và hỗ trợ xử lý hàng hàng trăm vụ việc phát sinh.
Theo ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào công tác hỗ trợ lao động Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc từ 40% những năm 2013 xuống dưới 26% năm 2020 và đây là tiêu chí quan trọng để duy trì và phát triển thị trường lao động Hàn Quốc.
Ông Phạm Minh Đức cho rằng cần đẩy nhanh thủ tục trong nước để sớm triển khai các đợt đưa lao động đã đủ thủ tục sang Hàn Quốc. Ở trong nước, nên ưu tiên tiêm chủng cho người lao động để các lao động Việt Nam được hưởng các ưu đãi khi nhập cảnh, song song với đó cần sớm hoàn tất các kỳ thi tiếng Hàn để tạo nguồn lao động đủ điều kiện nhập cảnh trong thời gian tới./.