Cơ hội mới cho hợp tác thương mại Việt Nam với Luxembuorg, Hà Lan, Bỉ

Chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ, dự hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho Việt Nam với 3 quốc gia này.
Cơ hội mới cho hợp tác thương mại Việt Nam với Luxembuorg, Hà Lan, Bỉ ảnh 1May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ từ năm 1973; trong đó, Bỉ là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam-Hà Lan được xem là điển hình của quan hệ năng động và hiệu quả giữa Việt Nam và một nước châu Âu.

Đặc biệt, là trung tâm tài chính toàn cầu và trụ sở của các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới, Luxembourg từng bày tỏ tin tưởng vào quan hệ thương mại với Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh.

Vì vậy, chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ, dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 9-15/12 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam với 3 quốc gia trong khu vực châu Âu.

Thị trường tiềm năng

Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập hàng hóa giữa Việt Nam và Luxembourg năm 2021 đạt hơn 181,5 triệu USD tăng 60% so với năm 2020.

Tính đến tháng 10 năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 101 triệu USD tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu đạt 50,1 triệu USD tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào Luxembourg là dệt may, da giày. Việt Nam nhập khẩu từ Luxembourg chủ yếu sợi, và hóa chất.

Việt Nam có khả năng thúc đẩy xuất khẩu sang Luxembourg các sản phẩm giày dép, đồ gỗ, đồ gia dụng… Tuy nhiên với một thị trường nhỏ chưa đến 500.000 dân, tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng không nhiều.

[Thủ tướng sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEAN-EU và thăm 3 nước châu Âu]

Mặc dù Luxembourg là một quốc gia nhỏ về diện tích, ít dân số nhưng lại là một trung tâm tài chính của châu Âu. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp cần quan tâm tới thị trường này với mục tiêu huy động nguồn vốn ưu đãi giành cho nước đang phát triển như Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang nỗ lực kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua Cục Xúc tiến thương mại với Phòng Thương mại và Công nghiệp Luxembourg nhằm tìm kiếm hợp tác, nhất là khi Việt Nam và Luxembourg đều là cửa ngõ logistics quan trọng để tiếp cận thị trường ASEAN và EU.

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Luxembourg xây dựng cơ sở dữ liệu cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực cùng quan tâm như tài chính, vận tải hàng không, du lịch, xây dựng…

Cửa ngõ thương mại

Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, trong khối EU, Hà Lan là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đây là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào EU.

Hàng hóa nhập khẩu vào Hà Lan ngoài việc phục vụ tiêu thụ nội địa của thị trường này còn một lượng lớn hàng hóa được tái xuất khẩu sang các quốc gia EU khác.

Việt Nam cũng được đánh giá là đối tác hàng đầu của Hà Lan tại châu Á và thực thi EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước và là thời điểm thích hợp để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác.

Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Hà Lan luôn là một trong hai đối tác lớn nhất của Việt Nam tại EU với kim ngạch thương mại tăng trưởng rất tốt, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,3% trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Hà Lan đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ nhất trong số các quốc gia khu vực EU.

Cơ hội mới cho hợp tác thương mại Việt Nam với Luxembuorg, Hà Lan, Bỉ ảnh 2Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, 10 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan hơn 8,67 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ 2021 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU.

Về nhập khẩu, 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 548,98 triệu USD giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 9,22 tỷ USD tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan các mặt hàng máy vi tính và sản phẩm điện tử; máy móc và thiết bị dụng cụ phụ tùng; da giày, dệt may. Ngoài ra, một số mặt hàng có tốc độ tăng cao là càphê, thủy sản, túi sách, sản phẩm từ sắt thép và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…

Việt Nam nhập chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng; hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất; dược phẩm; sữa và sản phẩm sữa; linh kiện phụ tùng ôtô.

Hà Lan hiện có 409 dự án đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng vốn đạt gần 13,7 tỷ USD, đứng thứ 8 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư Hà Lan có mặt trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam gồm nông nghiệp, công nghiệp và chế biến thực phẩm, đồ uống, với nhiều tên tuổi lớn như Heineken, Philips, De Heus, Friesland Campina.

Mới đây, trong khuôn khổ triển lãm Paris Motor Show 2022, công ty VinFast công bố kế hoạch kinh doanh tại châu Âu và mở trụ sở chính tại Amsterdam (Hà Lan).

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu chia sẻ, EU là địa bàn quan trọng của VinFast trong hành trình tiến ra quốc tế.

Cùng với việc đặt trụ sở chính cũng như phát triển mạng lưới bán hàng rộng khắp, VinFast đang tiếp tục tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại đây nhằm cung ứng sản phẩm trực tiếp cho thị trường trong tương lai.

Bổ trợ kinh tế

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong số các nước EU. Giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ 6-10%/năm và chỉ ghi nhận mức sụt giảm gần 10% năm 2020.

Bước sang năm 2021, thương mại hai chiều đã bật tăng mạnh mẽ lên đến 53,8% so với năm 2020, đạt 4,29 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng đến 55,7% so với năm 2020, đạt 3,6 tỷ USD; nhập khẩu tăng 44,7%.

Riêng 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Bỉ đạt hơn 3,44 tỷ USD, tăng 219,9,2% và nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD, tăng 30,3 % so với cùng kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại hai nước đạt hơn 4,06 tỷ USD.

Nhận định từ các chuyên gia, Bỉ cũng được coi là một trong những thị trường cửa ngõ vào EU với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như giày dép, dệt may, nông sản, thủy sản.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung rất cao và tập trung vào một số mặt hàng chủ lực. Việt Nam xuất khẩu vào Bỉ các loại giày dép, sắt thép, dệt may, càphê và thủy sản. Ngược lại, Bỉ cung cấp cho Việt Nam chủ yếu là dược phẩm, đá quý và kim loại quý, máy móc thiết bị.

Thị trường Bỉ đang có nhu cầu cao về nông sản, thủy sản, sản phẩm thủ công truyền thống… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại EU.

Với nền tảng thuận lợi do Hiệp định EVFTA mang lại và sự hợp tác năng động ở cả 3 cấp độ doanh nghiệp, địa phương/vùng và Chính phủ, thương mại đầu tư song phương hai nước hứa hẹn hồi phục và có những bước phát triển mới. Đặc biệt là những lĩnh vực cả hai bên đang có nhu cầu như logistics; chế biến nông sản thực phẩm nhất là thủy sản, năng lượng.

Theo các chuyên gia, do thị trường EU thực hiện hậu kiểm, hàng hóa được vào hệ thống phân phối, cơ quan chức năng mới đi lấy mẫu và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; trường hợp không đạt tiêu chuẩn, hàng hóa bị thu hồi, tiêu huỷ hoặc gửi trả lại nhà sản xuất.

Trong hợp đồng, nhà nhập khẩu EU và Bỉ nói riêng thường yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Thực tế, không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải chịu phạt, mất thêm chi phí bởi sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, doanh nghiệp thường gặp những lỗi rất cơ bản, bao bì không hiển thị đủ thông tin bằng ngôn ngữ theo quy định, buộc phải quay về hoặc bán rẻ sang các thị trường khác. Hơn nữa, doanh nghiệp không chú trọng đúng mức với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa hàng hóa sang thị trường này.

Các chuyên gia thương mại khuyến cáo, hiện nay, các siêu thị lớn tại EU không nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp trong nước nên hợp tác với nhà nhập khẩu EU cho phép ký gửi hàng hóa tại kho.

Theo phương thức này, doanh nghiệp có thể mất thêm chi phí lưu kho, tiền hàng sẽ thu chậm hơn nhưng sẽ chắc và an toàn hơn khi thâm nhập thị trường.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần tìm hiểu phương thức này theo thông tin trên cổng thông tin của Bộ Công Thương và đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài.”

Mặt khác, doanh nghiệp cùng ngành hàng trong nước nên liên kết với nhau để đa dạng mặt hàng, đảm bảo đủ sản lượng và tận dụng được container khi xuất khẩu hàng hóa sang EU và Bỉ.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước phải làm việc kỹ với nhà nhập khẩu về nhãn hàng, chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, kiểm tra hợp đồng…tránh thất thoát và thiệt hại cho các bên.

Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp chủ động tìm hiểu văn hóa tiêu dùng, xu hướng và thay đổi của thị trường Bỉ để xây dựng chiến lược marketing phù hợp cũng như đầu tư sản xuất, xuất khẩu đúng hướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.