Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 19/9, Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam-Italy, được Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Italy, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Cơ quan xúc tiến thương mại Italy (ICE) phối hợp tổ chức, đã diễn ra hết sức thành công.
Tại diễn đàn lần này, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Italy Manlio Di Stephano đã có các bài phát biểu qua video, cùng sự tham dự trực tiếp của các quan chức như Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương Lê Hoàng Tài, Chủ tịch ICE Carlo Ferro, Ủy viên Hội đồng phát triển kinh tế và bình đẳng thành phố Rome Monica Lucarelli, và gần 100 đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại sứ Dương Hải Hưng đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế và nêu rõ 4 nguyên nhân khiến mối quan hệ trên có thể phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
[Hợp tác thương mại Việt Nam-Italy có nhiều khởi sắc và tiềm năng]
Một là, nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và quyết tâm chính trị được thể hiện ở các cấp lãnh đạo, như cuộc điện đàm tháng 4/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mario Draghi và cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Italy lần thứ 7 tổ chức vào tháng Sáu vừa qua.
Hai là, sự ổn định chính trị, dân số đông và trẻ, môi trường kinh doanh thuận lợi cùng các chính sách ưu đãi tạo nên sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.
Ba là, các khuôn khổ pháp lý thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư đã hình thành và có hiệu lực.
Bốn là, Việt Nam là thị trường lớn nhờ mạng lưới các Hiệp định tự do thương mại (FTA).
Đại sứ Dương Hải Hưng bày tỏ tin tưởng Diễn đàn lần này sẽ làm nổi bật các cơ hội hợp tác, đồng thời cũng là dịp tốt để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, kết nối và đẩy mạnh quan hệ làm ăn, kinh doanh vốn còn rất nhiều dư địa vì lợi ích của cả hai bên.
Đại sứ cam kết luôn sẵn sàng tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp hai nước khai thác hiệu quả thị trường, nắm bắt tốt các cơ hội đầu tư kinh doanh giữa hai bên.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Ferro của ICE cho rằng hai nước vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy các quan hệ kinh tế và thương mại, tiếp nối các thành công trước đó trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp nhau, đẩy mạnh việc trao đổi hàng hóa, không chỉ nông sản, thời trang mà còn nhiều mặt hàng khác, như ngành máy móc công nghiệp và công nghệ 4.0.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Ferro nói: “Diễn đàn kinh tế lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, và là một sự kiện lớn với các doanh nghiệp sau 2 năm đại dịch COVID-19."
"Việt Nam một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, với lực lượng lao động trẻ, năng động, song Việt Nam đang có nhu cầu về cơ sở hạ tầng, công nghệ, và các sản phẩm “Made in Italy” sẽ nắm lấy những cơ hội này."
"Và việc Việt Nam có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) là cơ hội cho Italy đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường sắt, công nghệ, hiện đại hóa ngành nông nghiệp."
"Tại thành phố Hồ Chí Minh, Italy đã có 2 trung tâm về giày dép và dệt may và đang hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp Italy và Việt Nam. Ngoài ra có cả trung tâm nghiên cứu kỹ thuật đá marmo. Đây là các hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp Italy hướng đến phát triển công nghệ 4.0," ông Ferro cho biết.
Còn Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài nhấn mạnh diễn đàn là cơ hội tốt để các bên cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững.
Với một thị trường năng động và đầy tiềm năng như Italy, trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và Italy sẽ tìm ra được nhiều cơ hội hợp tác, để làm cơ sở gắn kết mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển bền vững.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Lê Hoàng Tài nói: “Trong 2 năm qua, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị ảnh hưởng rất nặng nề, bị gián đoạn, hủy bỏ. Việc tổ chức lại các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như EU, và đặc biệt như Italy là một trong những mục tiêu, định hướng của hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa các doanh nghiệp Việt Nam quay lại thị trường châu Âu."
"Diễn đàn này là cơ hội để doanh nghiệp hai nước được tìm hiểu trực tiếp lẫn nhau, với khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực, dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông thổ sản… các mặt hàng thế mạnh tiếp cận thị trường khó tính.”
Ngoài ra, đại diện các tổ chức và công ty như bà Lucarelli, ông Fabio Ricci, Phó Tổng giám đốc Liên đoàn các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp quốc gia Italy (Federunacoma), bà Francesca Ottolenghi, Trưởng phòng quan hệ quốc tế của chuỗi siêu thị Legacoop (Italy), bà Francesca Posarelli, Giám đốc điều hành của công ty Esanastri, ông Nguyễn Anh Nhân, Trợ lý Tổng giám đốc công ty GODACO Seafood, đã giới thiệu những tiềm năng hợp tác, cũng như kinh nghiệm hợp tác kinh doanh thành công và được những người tham dự chú ý lắng nghe.
Những người tham dự diễn đàn đã rất phấn khởi khi có dịp trao đổi thông tin, tìm kiếm điểm chung để đặt cơ sở cho sự hợp tác cụ thể.
Quả thực, tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước là rất lớn và đang cần được khai thác.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Italy là đối tác lớn thứ tư của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,25 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp Italy đang làm ăn và đầu tư với Việt Nam.
Các doanh nghiệp Italy, với thế mạnh trong những ngành công nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm, cơ khí, ô tô, may mặc, hóa chất... có thể tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn tại Việt Nam, cũng như Italy là thị trường nhập khẩu hấp dẫn đối với nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, thủy sản... từ Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế, đặc biệt có ý nghĩa khi Italy và Việt Nam đều mở cửa kinh tế, dựa nhiều vào xuất khẩu và có chiến lược xuất khẩu Made in Italy/Made in Viet Nam, nhưng lại mang tính bổ sung cho nhau.
Chính phủ Italy đã chọn Việt Nam là 1 trong 20 nước được ưu tiên thúc đẩy thương mại, đầu tư với các ưu đãi cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn với Việt Nam, một trong những quốc gia có nền kinh tế mở nhất trên thế giới với mạng lưới 16 FTA có hiệu lực.
Đến với Việt Nam, các doanh nghiệp Italy không chỉ tiếp cận thị trường 100 triệu người dân Việt Nam mà còn hơn 600 triệu người dân ASEAN và các thị trường rộng lớn khác thông qua các liên kết FTA.
Việt Nam cũng có nguồn nhân lực chất lượng cao trong ASEAN, là trung tâm xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (đứng thứ 3 trong ASEAN).
Do vậy Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam-Italy lần này là minh chứng sống động cho sự hợp tác năng động và tích cực giữa Việt Nam và Italy, qua đó góp phần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Phát huy thành công của Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam-Italy tại Rome, ngày 20/9, diễn đàn sẽ tiếp tục được tổ chức tại thành phố Milan, trung tâm kinh tế lớn nhất Italy, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp hàng đầu ở khu vực miền Bắc Italy. /.