Với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, năm 2021 dù khó khăn, vẫn được xem là một năm nhiều kỳ vọng với ngành cơ khí.
Nhận định này còn trên cơ sở nội lực ngành cơ khí vượt qua năm 2020 với nhiều khó khăn tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Từng bước phục hồi
Theo báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, gần 50% số doanh nghiệp thuộc hiệp hội có doanh thu sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong quý 1, quý2 năm 2020.
Tuy nhiên, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch VASI cho biết, bằng các giải pháp của mình, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt trong sản xuất, sắp xếp lại bộ máy quản lý; từ đó, vẫn có được những đơn hàng, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Đến nay, về cơ bản, các doanh nghiệp đã tìm kiếm được nguồn hàng, kết nối lại với các bạn hàng xuất khẩu và từng bước phục hồi.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hikari Việt Nam, năm 2020, khi COVID-19 xảy ra thì hầu như các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, cả trực tiếp và gián tiếp.
Hikari là công ty hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chịu tác động gián tiếp trong cung ứng trang thiết bị, máy móc hoặc sản xuất linh phụ kiện phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Việc đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu trong 1 giai đoạn đã kéo theo sự tụt giảm doanh thu. Rất nhiều trang thiết bị máy móc đã được đầu tư nhưng không thể đưa vào khai thác, sản xuất hết công suất.
[Hiệp định UKVFTA: Mở ra cơ hội lớn cho ngành thép và cơ khí chế tạo]
“Ngay khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Trước đây việc chuyển giao công nghệ thường sẽ do nước ngoài làm, nhưng trong năm nay, chúng tôi đã tận dụng hết các điều kiện năng lực của mình từ cán bộ, nhân viên để thực hiện tăng doanh thu, kinh nghiệm cho công ty. Chúng tôi buộc phải tái cấu trúc, những bộ phận dư thừa người, phân bổ chưa hợp lý được cấu trúc lại và thay đổi quy trình cốt lõi để linh hoạt hơn trong cách làm việc,” ông Cường nói.
Đặc biệt, ông Cường cho biết thêm, việc đứt gãy nguồn cung buộc công ty kết hợp với các doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm thêm nguyên liệu, cơ hội xuất khẩu. Đây là điểm tích cực mà dịch bệnh gián tiếp mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Trong khó khăn dịch bệnh, nhiều ngành nghề đã gặp thua lỗ lớn/đóng cửa. Nhưng cũng từ đây, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cơ khí xuất hiện. Nhiều đơn vị đã hợp tác, chia sẻ khó khăn cùng nhau. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo cơ hội việc làm cho các đơn vị nhỏ.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đều đã chung tay để duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động. “Tới nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào từ các đơn vị thành viên liên quan đến phá sản doanh nghiệp do dịch bệnh gây ra, có chăng chỉ là giảm doanh thu, dừng sản xuất trong một thời điểm nhất định do thiếu nguồn nguyên liệu, dừng các đơn hàng xuất khẩu.”
Cơ hội nào trong 2021?
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chưa thể khôi phục hoàn toàn, do các nền kinh tế lớn tiêu thụ sản phẩm chế tạo đều có thể còn rất lâu mới hoạt động ổn định trở lại.
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3 và đây là cơ hội tốt của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Cường cho hay, năm 2021 vẫn là một năm đầy thử thách, nhưng cũng có nhiều điểm khả quan, như về tăng trưởng kinh tế dương, ngăn chặn dịch bệnh rất tốt, giúp thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là điểm mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, công ty trong nước.
Nếu doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nắm bắt các cơ hội đó, thì có thể nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau dịch bệnh, nhu cầu về đồ may mặc, gia dụng... tăng cao, trong khi Việt Nam vốn có thế mạnh về gia công, chế tạo các mặt hàng này.
“Về khía cạnh doanh nghiệp, tôi đánh giá năm 2021 hoàn toàn khả thi và trong kế hoạch kinh doanh, Hikari đặt mục tiêu tăng trưởng 30-40% so với 2020,” ông Cường nhận định.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, năm 2021 sẽ là năm của “gạn đục khơi trong.” Những công ty nào có đường hướng, kết nối với nhau và kế hoạch dài hạn với cơ chế quản trị tốt sẽ tồn tại và phát triển. Còn doanh nghiệp nào vẫn làm ăn mang tính chộp giật, thiếu bài bản sẽ rất khó tồn tại. Đây sẽ là thời điểm thanh lọc và làm cho nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh trong sạch hơn rất nhiều.
Theo ông Đào Phan Long, trong năm 2021, những doanh nghiệp sản xuất sẽ là những doanh nghiệp có nhiều cơ hội, bởi vì gần như các đơn đặt hàng từ Trung Quốc không xuất khẩu được do đất nước này khó có thể triển khai được những đơn hàng dưới tác động của dịch bệnh, hoặc do mất uy tín trên thương trường quốc tế. Trong khi gần như các đơn hàng đó được chuyển sang các nước; trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, muốn đón được cơ hội này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu đến các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh.
“Muốn làm được điều này, buộc các doanh nghiệp phải liên kết mạnh mẽ hơn, những doanh nghiệp còn nhỏ, yếu về vốn, trình độ phải biết ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, công nghệ và đơn hàng,” ông Long cho hay.
Trên thực tế, việc chuyển sản xuất/mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ nhiều năm trở lại đây. Bản thân các hiệp hội ngành hàng cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp hội viên đã gặp gỡ và trao đổi.
Bà Trương Thị Chí Bình cho hay, các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch diễn biến trên toàn cầu vẫn phức tạp, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu, Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với các ngành chế tạo mà tất cả các ngành sản xuất.
Song song với đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp/liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất, hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới...
Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong năm 2021 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam.
Hiện nay, 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng./.